Theo dòng sự kiện

Liên hiệp Hội Việt Nam: Hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

23/12/2020, 18:08

TNNN - Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng từ ngày 25/01/2021 đến ngày 02/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội.


Hình ảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, diễn ra từ ngày 14/12/2020 đến ngày 18/12/2020 và được Ban Tuyên giáo trung ương công bố chính thức ngày 23/12/2020.

Để chuẩn bị cho Đại hội, đến nay, việc xây dựng các dự thảo văn kiện đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng đã được các trí thức, nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại diện các Hội thành viên: VinaLAB, Hội Đo lường Việt Nam,... đóng góp ý kiến vào ngày 06/11/2020.


TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
tại hội thảo Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Hội thảo do TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, trong  đó tất cả đều khẳng định rằng, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng được xây dựng công phu, chất lượng, bố cục nội dung khoa học, đánh giá đúng tình hình đất nước trong 5 năm qua (2015-2020) và sau 35 năm đổi mới (1986-2020), đề cập đến những vấn đề mới cần thống nhất nhận thức và đồng thuận trong cán bộ, Đảng viên và tầng lớp nhân dân.

Để sát thực với thực tiễn, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cần bổ sung vào Mục 2 về phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: “Xây dựng và triển khai chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ; ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.

Tại mục 7 về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: các đại biểu đề nghị quan tâm, có giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm xử lý có hiệu quả rác thải đô thị, ô nhiễm môi trường và chống hạn, xâm nhập mặn vùng ven biển; có chủ trương, chính sách cụ thể về quy hoạch, sắp xếp dân cư, tái định cư, ổn định sản xuất cho các chòm, bản các huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

Theo TS. Trần Việt Hùng (nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam), thời gian qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đã có nhiều đổi mới, nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa.

TS. Trần Việt Hùng chia sẻ: Trước cách mạng, khi Đảng chưa cầm quyền, các chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các tổ chức quần chúng của Đảng đến thẳng quần chúng cách mạng, đến thẳng dân. Vì vậy, tuy chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, nhưng Đảng ta vẫn lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng tám lịch sử.

Ngày nay, Đảng ta là Đảng cầm quyền, vì vậy muốn chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa thành luật, quy định, quy chế… bởi các cơ quan Nhà nước. Song, quá trình này diễn ra rất chậm. Điều đó đã được thể hiện trong Dự thảo Báo cáo chính trị: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ còn chậm; có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng” (trang 15- BCCT).

Những hạn chế này không chỉ giới hạn trong công tác cán bộ mà diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Nguyên nhân không phải chỉ do năng lực (trang 10-BCCT) mà chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của một số cá nhân, tổ chức công quyền từ trung ương đến địa phương. Đây nên coi là một trong những nguyên nhân chính cản trở tốc độ phát triển của đất nước cần được cải thiện.

Bởi nếu không được thể chế hóa thì những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng cùng lắm cũng chỉ tác động được đến những đảng viên trong Đảng mà thôi, không thể đi vào cuộc sống. Một trong những vấn đề cần thể chế hóa đầu tiên chính là thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.


Quang cảnh hội thảo góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội  XIII của Đảng.

Còn theo ông Đặng Đính Luyến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội nêu trong dự thảo chưa đạt được như kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng chưa đạt được như kế hoạch.

Tình trạng mất cân đối về cơ cấu kinh tế (vùng, miền, ngành, nghề) còn cao. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, dự báo tình hình ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp; năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục bị tụt hậu và bỏ xa; Hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, tạo kẻ hở làm thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; Ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm các dòng sông, suối, ô nhiễm ở các làng nghề,… nhưng chưa có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chăn và khắc phục.

Cùng với rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp Hội, Hội thành viên, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với quan điểm: phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát có hiệu quả đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật, tham nhũng…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực công tác thực sự, bởi vì cán bộ là nguồn gốc của mọi thành công.

TNNN

Bình luận