Theo dòng sự kiện

Tạo lập văn hóa năng suất chất lượng vẫn còn là thách thức lớn

24/12/2019, 14:32

TNNN - Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình).


Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị do Ban điều hành Chương trình quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 19/12/2019, tại Hà Nội nhằm đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chương trình năm 2019, kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2020 và định hướng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa đến năm 2030.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban điều hành Chương trình; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TĐC) Trần Văn Vinh - Phó Trưởng ban điều hành Chương trình; các thành viên Ban điều hành Chương trình cùng đại diện các bộ/ban/ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin truyền thông, Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam...

Báo cáo tình hình thực hiện năm 2019, giai đoạn 2016-2019 của Chương trình; Phương hướng triển khai tiếp theo đến 2020 và 2030, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 54%. Trong đó, tính riêng từ năm 2016 - 2019, Bộ KH&CN và các Bộ/ngành khác đã xây dựng khoảng 3.470 TCVN.

Hệ thống Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện có khoảng 780 QCVN được 14 Bộ quản lý chuyên ngành/lĩnh vực ban hành. Có 7/8 Bộ ngành, 58/63 địa phương đã có dự án Năng suất chất lượng (NSCL) được phê duyệt. Một số địa phương không xây dựng dự án NSCL thuộc Chương trình nhưng đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL trong khuôn khổ các  Chương trình, đề án, dự án KH&CN.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, Chương trình, dự án NSCL đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đề ra. Các mục tiêu chủ yếu của Chương trình cơ bản đáp ứng về phát triển hệ thống TCVN, QCVN, tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp, triển khai các hoạt đọng thỏa thuận, thừa nhận lẫn nhau, công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo,…

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động hỗ trợ áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến của Chương trình đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP,… và nhận được sự đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho rằng, phong trào NSCL mới được triển khai ở bề rộng, việc duy trì, phát triển và tạo lập văn hóa NSCL vẫn là thách thức lớn của Chương trình.

Để định hướng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ cụ thể: (1) Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL; (2) Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia đảm bảo năng lực hỗ trợ doanh nghiệp; (3) Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao NSCL và tổ chức triển khai thực hiện; (4) Đẩy mạnh Truyền thông nâng cao nhận thức về NSCL; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NSCL.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban điều hành Chương trình phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh rằng, Chương trình là một trong những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp thông qua đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới hỗ trợ, đổi mới về KH&CN, trong đó có hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động sở hữu trí tuệ và các hoạt động khác mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra.

Trên cơ sở báo cáo kết quả, hiệu quả và ý kiến của đại diện một số Bộ, ban ngành đối với việc triển khai dự án NSCL, Thứ trưởng khẳng định rằng, thời gian qua, rất nhiều hoạt động của Chương trình đã có kết quả thiết thực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó, khẳng định sự thay đổi và việc đưa KH&CN có đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển KT-XH của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, qua các kết quả triển khai mặc dù tùy từng cấp độ, tùy từng lĩnh vực của các nhiệm vụ nhưng có thể thấy, Chương trình cần thiết đối với các doanh nghiệp, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, các công việc đã làm có ý nghĩa và đáng ghi nhận. Tuy nhiên để khắc phục những khó khăn như về kinh phí, cơ chế quản lý, nguồn lực chuyên gia, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn lan tỏa còn hạn chế,…

“Cơ quan thường trực Chương trình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý trong và ngoài Bộ để hướng dẫn, phổ biến lan tỏa hơn nữa mục tiêu của Chương trình; Tăng cường công tác đào tạo phổ biến, phổ biến hướng dẫn về nội dung Chương trình trong các trường đại học, cao đẳng; ghi nhận những góp ý từ các bộ ngành để xem xét, điều chỉnh, bổ sung chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bình luận