Theo dòng sự kiện

VinaLAB phối hợp tổ chức hội thảo Cơ hội và thách thức đối với ngành phân tích thử nghiệm

29/04/2021, 12:58

TNNN – Hội thảo do Ban tổ chức triển lãm Analytica Vietnam, Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) và Hội Hóa học Việt Nam (VSC) tổ chức sáng 29/04/2021, tại Hà Nội.


TS. Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc. Ảnh: Đình Lâm

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB), cùng với các Hiệp định kinh tế mới được ký kết, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không ngừng được mở rộng xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cũng đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng đã có hệ thống phòng phân tích và thử nghiệm đa dạng, có sự tăng trưởng khá tốt. Đồng thời, Việt Nam cũng đã có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia tương đối đầy đủ, hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

Điểm thuận lợi nữa là các phòng phân tích và thử nghiệm luôn luôn được bổ sung các nhà khoa học trẻ, được đào tạo từ các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, góp phần làm nên sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các phòng phân tích, thử nghiệm.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, cùng với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, lĩnh vực phân tích và thử nghiệm cần phải phấn đấu để vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục hoàn thiện và tự nâng cao năng lực để góp phần xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia một cách vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, phục vụ nhu cầu thử nghiệm trong nước và ngoài nước, cũng như góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.


Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Lâm

“Để giúp các nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học làm trong lĩnh vực phân tích, thử nghiệm có thêm thông tin về xu hướng phát triển ngành phân tích, thử nghiệm giai đoạn 5 năm tới, và để các nhà phân tích, cung cấp thiết bị chia sẻ thông tin, phương pháp phân tích, thử nghiệm mới, VinaLAB phối hợp tổ chức hội thảo này với kỳ vọng, sự chia sẻ thông tin của các diễn giả sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà cung cấp thiết bị có thêm cơ hội để cùng đồng hành, tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị cho ngành phân tích, thử nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đưa sản phẩm của Việt Nam đến với người tiêu dùng trên thế giới”, TS. Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Trao đổi về cơ hội và thách thức của ngành phân tích, thử nghiệm giai đoạn 2021 – 2025, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Việt Nam hiện đang giữ vị trí cao trong khối các nước ASEAN về chất lượng cũng như số lượng các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Điểm đáng chú ý là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến với hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhưng ngành phân tích, thử nghiệm vẫn có sự tăng trưởng và duy trì hoạt động tốt, đặc biệt với các phòng thử nghiệm phục vụ lĩnh vực xuất khẩu khẩu trang, thiết bị y tế,... có mức tăng trưởng ấn tượng đạt 2 con số.


TS. Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Đình Lâm

Nhắc lại một số nội dung nổi bật mà Hội VinaLAB đã đề cập đến tại hội thảo “Thách thức và cơ hội đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp” do Hội VinaLAB tổ chức đầu năm 2021, TS. Nguyễn Hoàng Linh một lần nữa đề cập đến sự bất cập trong hoạt động của các phòng thử nghiệm, sự chồng chéo trong các hoạt động kiểm tra, thanh tra, đánh giá công nhận, thừa nhận lẫn nhau.

Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam có nền kinh tế mở nên trong bối cảnh hiện nay, các ngành nghề đều có cơ hội, đặc biệt là ngành thử nghiệm. Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ các đơn vị trong việc thúc đẩy để có được các Phòng thử nghiệm Việt Nam được châu Âu chỉ định. Công việc này hiện tại đang được giao cho Văn phòng SPS Việt Nam xúc tiến thực hiện.

TS. Nguyễn Hoàng Linh khuyến nghị: Khác với phòng Lab của các Công ty, Tập đoàn lớn vì họ đã có chiến lược, hoạch định cụ thể, các Lab ở quy mô vừa và nhỏ cần xác định thế mạnh của mình để tập trung đầu tư và phát triển nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Trên quan điểm đó, Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam cũng sẽ luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp để cùng hợp tác, chia sẻ, phát triển để đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng; Thông qua các chương trình thử nghiệm thành thạo (PT) để hạn chế tối đa các sai sót trong kỹ thuật phân tích, kết quả phân tích và phương pháp thử nghiệm.


Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo. Ảnh: Đình Lâm

Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Hoàng Linh, GS.TS Nguyễn Văn Nội và PGS. TS. Đỗ Quang Huy, hội thảo đã nghe ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia, chia sẻ về các định hướng, chính sách phát triển khoa học kỹ thuật cùng những hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cho sự phát triển của ngành khoa học, công nghệ, đặc biệt là ngành thử nghiệm phân tích trong giai đoạn từ nay đến năm 2025; chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về thực trạng và xu hướng phát triển ngành Đồ uống Việt Nam trong 5 năm tới; đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương – TS. Lê Quang Thảo chia sẻ về những thay đổi, cơ hội và thách thức của lĩnh vực kiểm nghiệm dược phẩm Việt Nam trong 5 năm tới; TS. Bùi Văn Ngọc, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm - Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ về Cơ hội phát triển, thách thức và những thay đổi về phương thức đầu tư của các phòng thí nghiệm nhà nước giai đoạn 2021-2025; GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ phân tích ứng dụng trong kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ về nhu cầu đầu tư trang thiết bị cho lĩnh vực phân tích và kiểm nghiệm hóa học trong khối trường đại học,...


Trong khuôn khổ hội thảo còn có Triển lãm thiết bị, hóa chất và công cụ phục vụ phân tích, thử nghiệm. Ảnh: Đình Lâm

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã vinh danh các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng hội thảo.

Vũ Hải

Bình luận