Bắt đầu thử nghiệm vaccine coronavirus: Năm câu hỏi chính
TNNN - Một số chuyên gia cảnh báo, tăng tốc các thử nghiệm sẽ dẫn đến một số rủi ro liên quan.
- Đánh giá hiệu quả của máy sấy năng lượng mặt trời
- Giải pháp xử lý nước thải công nghiệp bằng nano sắt hóa trị 0
Quá trình tạo vaccine coronavirus đang được thúc đẩy với tốc độ chóng mặt. Tuần này, người đầu tiên trong vài chục tình nguyện viên khỏe mạnh ở Seattle, Washington, đã nhận được mũi vaccine trong thử nghiệm an toàn giai đoạn 1 do Chính phủ Mỹ tài trợ. Các thử nghiệm các loại vaccine coronavirus an toàn (dưới sự kiểm soát) tương tự khác cũng sẽ bắt đầu sớm.
Ngay cả khi những thử nghiệm đầu tiên lên con người đang diễn ra, câu hỏi chính về cách hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại virus - làm thế nào để kích hoạt một phản ứng miễn dịch tương tự với vaccine - vẫn chưa được trả lời. Câu trả lời có thể đến sớm nhờ các nghiên cứu từ người nhiễm bệnh và mô hình động vật, nhưng một số nhà nghiên cứu nói rằng các chuyên gia không nên bắt đầu các thử nghiệm an toàn trên người khi thiếu thông tin. Những người khác lo lắng nếu các loại vaccine được đưa ra theo lịch trình tăng tốc hóa không hiệu quả hoặc tệ hơn là không an toàn, chúng có thể khiến các nhà nghiên cứu phải làm lại kế hoạch cuối cùng khiến trì hoãn việc phát triển và triển khai một loại vaccine hiệu quả.
Dưới đây là một số câu hỏi chính mà các nhà khoa học hy vọng sẽ trả lời để phát triển vaccine coronavirus.
1. Con người có phát triển khả năng miễn dịch?
Vaccine giúp con người tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nhiễm bệnh mà không phải tiếp xúc với mầm bệnh. Các nghiên cứu về các coronavirus khác, chẳng hạn như bốn loại khác nhau là nguyên nhân gây ra một số bệnh cảm lạnh thông thường, khiến hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng những người đã khỏi bệnh SARS-CoV-2 sẽ được bảo vệ khỏi việc tái nhiễm trong một thời gian. “Nhưng giả định đó cần được ủng hộ bằng các bằng chứng”, Michael Diamond, một nhà miễn dịch virus tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri nói. “Chúng tôi không biết nhiều về khả năng miễn dịch với loại virus này”.
Một bản thảo nghiên cứu vào ngày 14/3 của một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc quan sát hai con khỉ nâu (Macaca mulatt) nhiễm SARS-CoV-2, chúng bị bệnh nhẹ và phục hồi sau đó. Những con khỉ dường như không bị tái nhiễm khi các nhà nghiên cứu cho tiếp xúc với virus lần thứ hai cách bốn tuần sau lần tiếp xúc ban đầu. “Các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm bằng chứng cho thấy con người phản ứng theo cùng một cách, ví dụ bằng cách nghiên cứu những người có khả năng tiếp xúc nhiều lần”, Diamond nói.
2. Nếu con người phát triển khả năng miễn dịch, nó sẽ kéo dài bao lâu?
Đó là một ẩn số lớn khác. “Miễn dịch đối với các loại coronavirus gây cảm lạnh thông thường là ngắn ngủi. Ngay cả những người có nồng độ kháng thể chống lại các loại virus này cao vẫn có thể bị nhiễm bệnh”, Stanley Perlman, Đại học Lowa ở thành phố Lowa cho biết.
Bằng chứng [về miễn dịch] vẫn còn mập mờ đối với hai loại coronavirus khác đã gây ra dịch bệnh: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Perlman nói rằng, nhóm của ông đã phát hiện ra rằng sau khi mọi người hồi phục từ MERS, các kháng thể của họ chống lại virus giảm nhanh chóng. Nhóm của ông đã thu thập dữ liệu - chưa được công bố - cho thấy các kháng thể SARS vẫn còn tồn tại trong cơ thể 15 năm sau khi bị nhiễm bệnh. Nhưng không rõ liệu phản ứng miễn dịch này có đủ để ngăn ngừa tái nhiễm hay không. “Chúng tôi không có bằng chứng tốt về khả năng miễn dịch dài hạn, và chúng tôi cũng không có dữ liệu thực sự tốt từ cả SARS và MERS”, ông nói.
3. Những nhà phát triển vaccine nên tìm kiếm loại phản ứng miễn dịch nào?
Thử nghiệm giai đoạn 1 bắt đầu trong tuần này tập trung vào tính an toàn của vaccine do Moderna (trụ sở tại Cambridge, Massachusetts) phát triển. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng sẽ xem xét kỹ bản chất của phản ứng miễn dịch của nó.
Vaccine của Moderna bao gồm một phân tử RNA. Giống như nhiều loại vaccine SARS-CoV-2 khác đang được phát triển, nó được thiết kế để “huấn luyện” hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể nhận biết và ngăn chặn protein tăng đột biến mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào người.
“Tôi nghĩ rằng có thể vượt qua lần đầu, nhưng chúng ta nên biết rằng, có lẽ, phản ứng kháng thể (từ tế bào B) đối với sự tăng đột biến có thể không phải là toàn bộ vấn đề”, ông nói. Một loại vaccine SARS-CoV-2 thành công (có thể) cần phải nhắc nhở cơ thể tạo ra các kháng thể ngăn chặn các protein virut khác, hoặc tạo ra các tế bào T có thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.
4. Làm thế nào để chúng ta biết một loại vaccine hiệu quả?
Thông thường, vaccine đi vào thử nghiệm trên người sau khi thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả ở động vật. Nhưng vaccine Moderna và một loại khác đang được Inovio Pharmaceuticals phát triển tại Plymouth Meet, Pennsylvania, đang được thử nghiệm song song trên động vật và giai đoạn 1 ở người cùng lúc. Inovio có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm trên người đầu tiên vào tháng Tư.
“Trong trường hợp không cấp thiết, các khâu này được thực hiện theo trình tự. Nhưng trong trường hợp này, rất nhiều việc đang được tiến hành song song”. Barney Graham, phó giám đốc của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH),Trung tâm nghiên cứu vaccine tại Bethesda, Maryland, nơi đang tài trợ cho thử nghiệm vaccine Moderna nói.
Trong bản thảo nghiên cứu ngày 2/3, các nhà nghiên cứu báo cáo tiêm vaccine Inovio - một phân tử DNA mang thông tin mã hóa cho một loại protein dằm (spike protein) - vào chuột nhắt và chuột lang. Họ phát hiện ra rằng các động vật sản xuất cả kháng thể và tế bào T chống lại virus.
Trưởng nhóm nghiên cứu Kate Broderick, phó chủ tịch cấp cao của Inovio về nghiên cứu và phát triển tiền lâm sàng, nói rằng nhóm của cô hiện đã tiêm vaccine cho khỉ và sẽ sớm bắt đầu nghiên cứu động vật được tiêm vaccine bị nhiễm virus để xem chúng có được bảo vệ hay không. “Những nghiên cứu ‘thách thức’ như vậy cũng đang được thực hiện cho vaccine Moderna”, Graham nói.
Ông nói thêm: Các thử nghiệm lớn, tốn kém về việc liệu vaccine có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh ở người sẽ không tiến hành nếu không có dữ liệu trên từ động vật. Diamond hy vọng khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về sự lây nhiễm từ cả nghiên cứu ở người và động vật, họ sẽ hiểu rõ hơn về loại vaccine nào có khả năng hoạt động tốt nhất. “Đây có thể không phải là cách hiệu quả nhất để làm việc đó. Nhưng nó có thể là cách tốt nhất để tạo ra một loại vaccine”, Diamond nói.
5. Liệu có an toàn?
Mục đích của vaccine là tiêm cho một số lượng lớn người khỏe mạnh, nên chúng thường có mức độ an toàn cao hơn so với thuốc dùng cho những người bị bệnh. Với vaccine SARS-CoV-2, mối quan tâm an toàn chính của các nhà nghiên cứu là tránh hiện tượng gọi là tăng cường bệnh, trong đó những người được tiêm vaccine bị nhiễm bệnh sẽ phát triển thành một dạng bệnh nghiêm trọng hơn so với những người chưa bao giờ được tiêm vaccine. Trong các nghiên cứu về vaccine SARS thử nghiệm đã báo cáo vào năm 2004, chồn sương được tiêm vaccine đã phát triển tình trạng viêm nhiễm ở gan sau khi bị nhiễm virus.
Peter Hotez, một nhà khoa học vaccine tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, cho rằng, vaccine tiềm năng nên được thử nghiệm trên động vật trước để loại trừ sự tăng cường bệnh, trước khi thử nghiệm chuyển sang người. Anh ấy nói rằng, anh ấy hiểu lý do khiến vaccine SARS-CoV-2 nhanh chóng được thử nghiệm ở người, nhưng nói thêm: “vì khả năng vaccine có thể làm tăng bệnh, nên tôi không chắc đây là việc mà mọi người muốn làm”.
Trong thử nghiệm vaccine Moderna, Graham nói, NIH sẽ chuyển sang các nghiên cứu lớn hơn ở người chỉ khi các nghiên cứu trên người (giai đoạn 1) và động vật xác nhận rằng vaccine này an toàn. Ông nói: Nguy cơ tăng cường bệnh là thấp, nhưng “rủi ro của việc không tiêm vaccine sẽ tăng nhanh chóng. Chúng ta phải có thứ gì đó sẵn có (vaccine) để thử nghiệm trong mùa đông tới, nhất là khi nguy cơ cao như thế này”.
Nguồn: Khoa học & Phát triển