Khó xác minh các tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine Covid-19
TNNN-Vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả đối với đa số, nhưng cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu nguyên nhân của các tác dụng phụ hiếm gặp.
- Vi khuẩn tạo “vũ khí”dược phẩm đa năng
- Vắc-xin tạo ra phản ứng chống khối u kéo dài ở bệnh nhân ung thư hắc tố
Hình ảnh minh họa/Internet
Vào giữa tháng 3, một số quốc gia châu Âu đã tạm dừng phân phối vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất dựa trên các sự kiện bất lợi xảy ra trong số 20 triệu người đã tiêm chủng ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu: 25 người trong số đó bị đông máu nghiêm trọng do giảm số lượng tiểu cầu, dẫn đến 9 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sau đó đã điều tra và tạm thời kết luận, không thể khẳng định các trường hợp đông máu liên quan đến vaccine AstraZeneca, và lợi ích của việc tiêm vaccine dù sao vẫn lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào. Do đó, các nước châu Âu tiếp tục tiêm chủng (ngoại trừ Đức đã ngừng tiêm vaccine cho những người dưới 60 tuổi sau khi hệ thống giám sát an toàn riêng của họ báo cáo 31 trường hợp đông máu nghiêm trọng trong số 2,7 triệu người được tiêm chủng).
Rất khó để chứng minh một vấn đề y tế sau khi tiêm chủng - được gọi là 'sự kiện bất lợi' - là do chính vaccine gây ra. Bác sĩ tiêm chủng Kathryn Edwards tại Trường Y Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee, cho biết, các quan chức y tế công cộng phải biết "cân bằng và khéo léo" khi thông báo về nguy cơ tác dụng phụ hiếm gặp so với mức độ nguy hiểm của Covid-19. Các bác sĩ lo ngại, các thông tin về tác dụng phụ sẽ giúp thúc đẩy phong trào chống vaccine vốn đang gia tăng trong một số cộng đồng; đồng thời, không thể lờ đi khả năng xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp. Nhưng có thể phải mất nhiều năm để xác định chính xác quan hệ nhân quả.
Tương quan không phải là nhân quả
Lý tưởng nhất là một sự kiện bất lợi sẽ được liên kết trực tiếp đến vaccine thông qua thử nghiệm trong phòng lab. Ví dụ, phiên bản ban đầu của vaccine bại liệt, sử dụng một dạng virus suy yếu để tạo ra khả năng miễn dịch, đã khiến khoảng 1 trong mỗi 2,4 triệu người được tiêm phát bệnh bại liệt. Edwards nói, phân tích dịch từ tủy sống của người tiêm vaccine có thể thu được chủng virus mà vaccine sử dụng, vì vậy rõ ràng là vaccine đã gây ra bệnh.
Nhưng không thể thực hiện những xét nghiệm tương tự đối với hầu hết các sự kiện bất lợi khác vì không có dấu ấn sinh học cụ thể như vaccine bại liệt cũ nói trên. Theo Edward, thông thường, các sự kiện bất lợi chỉ được liên kết với vaccine theo thời gian xảy ra: một người nào đó được tiêm vaccine và sau đó gặp sự kiện bất lợi; nhưng rất khó chứng minh liệu sự kiện có thực sự do vaccine gây ra hay không.
Để điều tra mối liên hệ, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu để xác định tỷ lệ xuất hiện các sự kiện bất lợi trong quần thể được tiêm chủng, so với xác suất xảy ra sự kiện như vậy ở những người chưa tiêm vaccine. Ngoài ra, họ cũng cần xác định cơ chế gây ra phản ứng.
Sự kiện hiếm
Các vaccine Covid-19 hiện tại đã được thử nghiệm lâm sàng trên hàng nghìn người trước khi được các chính phủ cho phép sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn như nhức đầu hoặc đau tại chỗ tiêm, Hilda Bastian, nhà khoa học độc lập nghiên cứu y học dựa trên bằng chứng ở Victoria, Australia, cho biết: "Các thử nghiệm lâm sàng này được thiết lập để trả lời các câu hỏi về hiệu quả và đánh giá tỷ lệ các tác dụng phụ phổ biến”. Nhiều chuyên gia về vaccine được phỏng vấn đều nhấn mạnh rằng các thử nghiệm đã cho thấy vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả với phần lớn dân số nói chung.
Nhưng ngay cả các thử nghiệm lâm sàng lớn nhất cũng không được thiết kế để phát hiện các tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp, có thể xảy ra ít hơn 1 lần trong 10.000 lần tiêm chủng. Và bởi vì hàng trăm triệu người đang được tiêm vaccine Covid-19, ngay cả những sự kiện bất lợi rất hiếm - chẳng hạn như phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc đông máu - sẽ bắt đầu xuất hiện. Thách thức là tìm hiểu xem những sự kiện nào thực sự liên quan đến vaccine.
Tại Mỹ, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm đã bắt đầu tổ chức thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu nguy cơ dị ứng của vaccine Covid-19 mRNA do Pfizer ở TP New York và BioNTech ở Mainz, Đức, sản xuất, liên quan đến tỷ lệ 5 trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng trên 1 triệu liều; và vaccine mRNA do Moderna ở Cambridge, Massachusetts sản xuất, liên quan đến tỷ lệ 3 trường hợp trên 1 triệu liều. Những người bị ảnh hưởng dường như chủ yếu là phụ nữ và người có tiền sử dị ứng.
Stacie Jones, nhà dị ứng học và miễn dịch học tại Đại học Arkansas về Khoa học Y khoa ở Little Rock, đang dẫn đầu một nghiên cứu so sánh tỷ lệ phản ứng dị ứng xảy ra ở nhóm người có tiền sử dị ứng, so với nhóm đối chứng. Jones nói rằng những phản ứng dị ứng này là “cực kỳ hiếm”, nhưng nếu nhận thấy tỷ lệ phản ứng dị ứng nghiêm trọng tăng lên trong một nhóm nhất định, các nhà nghiên cứu sẽ “biết ai có nguy cơ và xác định nguy cơ đó” để tư vấn và theo dõi hiệu quả hơn.
Tại châu Âu, EMA đang tiến hành điều tra thêm về các rối loạn đông máu hiếm gặp ở một số lượng rất nhỏ những người đã tiêm vaccine AstraZeneca và sắp tới sẽ báo cáo các phát hiện. Trong lúc các kết luận vẫn chưa rõ ràng, một số quốc gia đã chọn cách bổ sung cảnh báo trước khi tiêm, trong khi một số quốc gia khác - chẳng hạn như Úc - đang hoãn tiêm chủng cho những người mắc một số bệnh nhất định.
Giám sát hiệu quả hơn
Hiện tại, các cơ quan y tế công cộng đang theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn của các loại vaccine thông qua các hệ thống báo cáo, chẳng hạn như nền tảng VigiBase của Tổ chức Y tế Thế giới, EudraVigilance của EMA và Hệ thống Báo cáo sự kiện bất lợi của vaccine của Mỹ. Nhiều quốc gia có hệ thống để các nhân viên y tế gửi báo cáo về các tác dụng phụ xảy ra sau tiêm chủng.
Loại giám sát này có thể phát hiện dấu hiệu của các sự kiện bất lợi hiếm gặp, nhưng hầu hết không được thiết kế để xác định nguyên nhân chính xác của chúng. Bởi vì hệ thống chỉ chứa dữ liệu cho các sự kiện đã được báo cáo và thiếu một nhóm so sánh để theo dõi các sự kiện bất lợi xảy ra trong quần thể chưa được tiêm chủng.
Do đó cần có các hệ thống giám sát tích cực thu thập dữ liệu về các biến cố bất lợi - cả tỷ lệ cơ bản trong dân số nói chung và tỷ lệ sau khi tiêm vaccine - từ hồ sơ sức khỏe của mọi người mà không cần dựa vào các lượt báo cáo trực tiếp. Trong báo cáo từ cuộc họp Liên minh Quốc tế về Tiêu chuẩn Sinh học (IABS) 2018, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi phát triển một mạng lưới giám sát phản ứng bất lợi của các vaccine trên toàn cầu, cho phép các cơ quan y tế công cộng chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn, với hy vọng xác định nguyên nhân của các phản ứng bất lợi một cách nhanh chóng và dứt điểm.
Jones nói: Kết hợp giữa giám sát chủ động và các thử nghiệm lâm sàng có mục tiêu sẽ giúp đảm bảo tính an toàn của vaccine Covid-19 hiện tại, cũng sẽ là nền tảng thông tin cho các chính sách y tế công cộng trong suốt đại dịch và cả sau đó.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
VUSTA sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí
Quản lý an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ
Chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp để nông dân bớt nghèo
Tin buồn: PGS.TSKH Phạm Luận, từ trần
Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí
Tin cũ hơn