Theo dòng sự kiện

Nghiên cứu đánh giá các thiết bị đo nồng độ cần sa qua hơi thở

15/04/2020, 16:44

TNNN - Giáo sư Công nghệ Mina Hoorfar đang sử dụng công nghệ “mũi nhân tạo” của mình để phát triển thiết bị đo hơi thở có thể phát hiện THC (hợp chất kích thích - thành phần chính của cần sa) trong từng phân tử của hơi thở.

Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các thiết bị phát hiện hơi thở, với mục đích phát hiện những lái xe đã quá “phê” mà vẫn lái xe, sẽ được các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng.

Giáo sư Mina Hoorfar của Trường Công nghệ là người điều hành phòng thí nghiệm nhiệt-dịch tiên tiến Okanagan thuộc Đại học Tổng hợp British Columbia (UBC), đã nghiên cứu thiết bị này vài năm nay, sử dụng công nghệ “mũi nhân tạo” để tạo ra các thiết bị siêu nhỏ có khả năng nhận biết các phân tử nguy hại. Các cảm biến có thể được tinh chỉnh để phát hiện, thậm chí là dấu vết các thành phần nguy hại nói trên.

GS Hoorfar giải thích: “Sự phát triển của vật liệu siêu nhỏ và công nghệ nano đã cho phép chúng tôi làm việc với quy mô nhỏ hơn cùng với độ nhạy được cải thiện”. “Chúng tôi đã đáp ứng nhu cầu của các cơ quan quản lý ở Bắc Mỹ về việc phát triển các thiết bị kiểm tra chính xác chất tetrahydrocannabinol (THC) và công nghệ mũi nhân tạo thích hợp với ứng dụng này”.

GS Hoorfar đang hợp tác với Công ty Cannabix Technologies để thương mại hóa thiết bị đo nồng độ cần sa qua hơi thở cho các lực lượng thực thi pháp luật và tại các trụ sở của họ.

Ngoài công nghệ mà mình sáng tạo ra, gần đây, GS Hoorfar còn chủ trì một nghiên cứu trên 5 loại thiết bị đo THC hoặc đã bán trên thị trường hoặc đang được nghiên cứu chế tạo. Quá trình đánh giá, do nghiên cứu sinh Hamed Mirzaei thực hiện, tập trung vào các nguyên mẫu và phân tích công nghệ của mỗi loại thiết bị.

Mirzaei cho rằng: “Mặc dù có triển vọng rất lớn, việc phân tích hơi thở vẫn có một số khó khăn kĩ thuật”.  “Một người khỏe mạnh có thể thở ra một phức hợp gồm những khí vô cơ và rất nhiều trong số những chất đó có nguồn gốc như hút thuốc, thức ăn, khu hệ vi sinh vật, môi trường làm việc và thuốc men”.

Mirzaei nói thêm, chế độ ăn uống, tuổi tác, tỷ khối cơ thể, và giới tính đều có thể ảnh hưởng tới thành phần chính xác trong hơi thở của một người.

Những yếu tố khác như nhiệt độ, độ ẩm và đào tạo người sử dụng thiết bị cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, có nghĩa là sáu công nghệ cho một thiết bị nhỏ, cầm tay phải rất chính xác và đáng tin cậy.

GS Hoorfar nói thêm: “Khi kích thước của các cảm biến tiếp tục giảm và độ nhạy của chúng tăng lên, chúng tôi đang tiến gần hơn tới một thiết bị phát hiện chính xác, dễ di chuyển và phát hiện theo thời gian thực”.

GS cho rằng, THC nói riêng là một phân tử rất khó phát hiện vì nồng độ của phân tử này trong hơi thở là quá thấp – ước tính khoảng 250 phần nghìn tỉ.

Hoorfar giải thích: “Đây là một giới hạn phát hiện đầy thách thức mà các máy phân tích hơi thở muốn tiếp cận thị trường phải xem xét”.

Tuy nhiên, nếu THC được tiêu thụ bằng việc hút thuốc, một số hạt sẽ lắng đọng trên các mô phổi. Những hạt này có thể bong đi khi thở ra và được phát hiện trong hơi thở, thậm chí từ ba đến sáu giờ sau khi ai đó đã hít cần sa và ngay cả khi hầu hết các tác động của nó lên hành vi và các chỉ số sinh lý liên quan đến suy yếu sức khỏe không còn nữa.

GS Hoorfar nói them: “Với việc cho phép tiêu thụ cần sa ở Canada và nhiều nơi ở Hoa Kỳ, nên chế tạo và cải tiến các công nghệ đảm bảo cho sự an toàn và nhận thức của cộng đồng là điều rất cần thiết”. “Phân tích hơi thở không chỉ là công nghệ nhanh nhất hiện có mà còn là một phương pháp thực hiện được tại hiện trường và đáng tin cậy để phát hiện việc vừa sử dụng và suy yếu sức khỏe do cần sa. Chúng ta chỉ cần chế tạo ra loại thiết bị hoàn hảo”.

Hoorfar cũng nói rằng, xem xét các nền tảng này là những công nghệ tương đối mới để giám sát THC trong hơi thở, tuy nhiên chúng chưa được kiểm tra và hiểu cơ chế một cách đầy đủ. Điều đó có nghĩa là có thể cần thêm ít thời gian nữa trước khi bất kì loại thiết bị nào trong số thiết bị hiện có được đem ra sử dụng hàng ngày.

GS Hoorfar cho rằng: “Một ngày nào đó, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có những thiết bị gọn nhẹ có thể nói cho chúng ta biết, phải chăng chúng ta đang mắc một bệnh nào đó hoặc liệu có hay không những đám khói nguy hại xung quanh chúng ta”. “Và nhóm chúng tôi đang làm việc tích cực hàng ngày để biến tương lai đó trở thành hiện thực”.

Đánh giá này được Quỹ Sáng kiến Canada và Hội đồng Khoa học và Nghiên cứu công nghệ quốc gia tài trợ một phần, đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu về hơi thở.


Minh Anh dịch

Nguồn: Tạp chí Lab Maneger

 

Bình luận