Theo dòng sự kiện

Nghiên cứu truyền lây động vật: Phòng nguy cơ SARS-CoV-2 “ẩn náu” và “trỗi dậy”

15/03/2021, 14:11

TNNN - Ngay cả khi dịch bệnh lắng xuống, các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục truy tìm SARS-CoV-2 ẩn náu trong các loài động vật để đề phòng chúng có thể “trỗi dậy”.

Kể từ khi corona bắt đầu lây lan khắp thế giới, các nhà khoa học đã lo lắng rằng virus có thể lây nhiễm từ người sang động vật hoang dã. Nó có thể ẩn náu trong nhiều loài khác nhau, có thể đột biến và sau đó trỗi dậy trở lại. Về nguyên tắc, khi có số lượng lớn người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng đồng nghĩa với việc virus đã có hàng triệu cơ hội để “nhảy” từ người sang động vật, chúng “ủ” SARS-CoV-2 rồi tiếp tục chuỗi lây nhiễm cho người.
 
Mặc dù vật nuôi cũng có thể bị lây nhiễm virus nhưng các nhà nghiên cứu ít lo lắng hơn về khả năng bùng phát virus ở vật nuôi bởi vì chí ít thì có thể kiểm soát thông qua kiểm dịch, tiêm phòng và tiêu hủy. Còn nếu virus lây lan ở động vật hoang dã, việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn nhiều. Thậm chí, không có hy vọng diệt trừ được.
 
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) theo dõi các đợt dịch SARS-CoV-2 ở động vật theo báo cáo của từng quốc gia (được xác định khi phát hiện thấy RNA virus trong động vật) và cho thấy có tới 458 đợt bùng phát SARS-CoV-2 ở động vật cho đến ngày 15/2/2021. Nhiều đợt dịch có thể đã không hề được phát hiện và ghi nhận bởi vì các nghiên cứu về động vật hoang dã rất khó thực hiện và việc nghiên cứu tình trạng lây nhiễm virus cho động vật thường không được ưu tiên nghiên cứu ở nhiều nước.
 
 
Hà Lan và Đan Mạch đã tiêu hủy 20 triệu con chồn để tránh nguy cơ lây nhiễm. Ảnh:Nytimes
 
Nhiều “nghi phạm”
 
Thời kỳ đầu của đại dịch, lợn nằm trong danh sách theo dõi. Vì chúng có “tiền sử” ủ các loại virus khác, chẳng hạn như cúm, và chúng sống gần con người với số lượng lớn. Lợn cũng bị corona ký sinh và chỉ một năm trước khi đại dịch Covid bùng phát các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy một loại coronavirus dơi mới đã giết chết khoảng 25.000 con lợn ở miền Nam Trung Quốc. Nhưng sau đó các nhà khoa học đã loại trừ lợn ra khỏi mối nguy vì khi nghiên cứu và gây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho lợn và lợn con họ nhận thấy virus không tái tạo tốt cũng như hầu hết lợn có khả năng chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
 
Sau khi lợn bị loại trừ khỏi danh sách “nghi phạm”, mọi sự chú ý tập trung vào dơi. Chúng là nguồn của SARS-CoV-2, và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng virus này có thể lây lan sang các quần thể dơi mới. Thậm chí vào tháng tư năm ngoái, Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ đã khuyến cáo các nhà khoa học đình chỉ tất cả các nghiên cứu liên quan đến việc bắt và nhốt dơi hoang dã. Các nghiên cứu đã chỉ ra, một số loài, chẳng hạn như con dơi ăn quả (rousettus aegyptiacus ), có thể bị lây nhiễm virus và lây bệnh cho những con dơi khác. Và, với hơn 1.400 loài, “dơi giống như “một chiếc hộp đen” hơn nhiều so với các loài động vật khác” Gryseels nói.
 
Tuy nhiên vì dơi sinh sống trong tự nhiên và thường không tiếp xúc gần với con người nên các nhà khoa học cũng tạm yên tâm về khả năng con người sẽ lây lan virus sang các đàn dơi tự nhiên. Nhưng khi đại dịch lắng xuống, nguy cơ này vẫn tăng lên cùng với việc con người gia tăng du lịch, nghiên cứu và bảo tồn.
 
Các thí nghiệm đã phát hiện ra nhiều loài động vật có thể chứa virus và truyền bệnh như chồn, mèo, lửng chó, hươu và một số loài linh trưởng. Nhìn chung những động vật bị nhiễm bệnh sống theo bầy đàn hoặc gần gũi với con người thường mang lại nguy cơ lớn hơn. Trong đó chồn là trường hợp đặc biệt mà theo nhà virus học Linfa Wang, tại Trường Y Duke -Đại học Quốc gia Singapore, “Virus và chồn đã dạy chúng tôi một bài học. Nó truyền đi một thông điệp rằng “Các bạn không bao giờ có thể bắt được tôi”.
 
Các nhà nghiên cứu chú ý nhiều đến nó sau khi tỉ lệ chồn chết ở các trang trại tăng đột biến. Đến cuối năm 2020, SARS-CoV-2 đã đến được 70 trang trại chồn ở Hà Lan, cũng như ở khoảng chục quốc gia khác như Đan Mạch, Hy Lạp, Canada và Hoa Kỳ... lượng chồn nhiễm virus và có kháng thể với SARS-CoV-2 tăng lên rất nhanh.
 
Giải trình tự các bộ gene virus SARS-CoV-2 ở chồn, các nhà khoa học đã lần theo dấu vết tương tác giữa người và động vật bị nhiễm bệnh và xác nhận rằng hai người nông dân đã nhiễm Covid-19 từ chồn – đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy động vật có thể truyền virus sang người. Và sau đó người ta đã ghi nhận ít nhất 60 người bị nghi nhiễm virus từ chồn.
 
Một số nhà khoa học lo ngại rằng, theo thời gian, những thay đổi nhỏ trong bộ gene ở hàng trăm hoặc hàng nghìn, hoặc thậm chí hàng triệu con chồn có thể tạo ra những thay đổi khiến virus dễ lây lan hơn hoặc gây chết người nhiều hơn hoặc có thể “lẩn tránh” các phương pháp điều trị và vaccine.
 
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đã phân lập gene virus từ chồn và phát hiện một số biến thể, sau đó thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy một trong số biến thể virus đó đã tránh được kháng thể từ một số người đã khỏi bệnh Covid-19.
 
Cùng khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã bắt được con chồn hoang dã có kết quả xét nghiệm dương tính ở Utah. Một số hiệp hội nghiên cứu quốc gia và khu vực đang tiếp tục khảo sát các động vật hoang dã gần các trại nuôi chồn để tìm ra đường truyền lây.
 
Câu chuyện về chồn và Covid-19 đã khẳng định mối lo ngại ban đầu của các nhà nghiên cứu rằng virus có thể tìm nơi ẩn náu ở động vật theo những cách khó dự đoán và kiểm soát, và sau đó nó có thể quay trở lại con người.
 
Trước những dấu hiệu đó, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp truy quét để ngăn chặn virus lây lan ở chồn. Đan Mạch - nhà sản xuất da chồn lớn nhất thế giới, sau đó là Hà Lan đã tiêu hủy toàn bộ chồn ở hai nước này, tổng cộng gần 20 triệu con. Các nước khác đang xem xét việc tiêm phòng cho chồn.
 
Cả OIE, WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đều đẩy nhanh các nỗ lực giám sát và công bố hướng dẫn về việc khảo sát động vật. OIE họp hằng tháng với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này để thảo luận về các nghiên cứu mới nhất về động vật trong đại dịch cũng như thảo luận về các biến thể mới lưu hành ở người. Bởi vì bất kỳ sự thay đổi đối với virus ở người, đều có thể ảnh hưởng đến cách mà nó truyền lây và tác động đến động vật.
 
Quá trình lây lan toàn cầu của các biến thể mới có thể làm tăng khả năng chuột nhà, và có lẽ cả chuột cống, sẽ nhiễm bệnh từ người và các môi trường bị ô nhiễm như cống rãnh. Virus SARS-CoV-2 đang gây ra nhiều rủi ro trên toàn cầu, và sẽ có thêm những điều ngạc nhiên giống như phát hiện lây nhiễm ở chồn.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
 
 
Bình luận