Theo dòng sự kiện

Nguồn protein mới cho chăn nuôi

28/07/2020, 12:14

TNNN - Xác định những nguồn protein mới cho chăn nuôi từ côn trùng và tảo có làm thay đổi chất lượng thịt truyền thống hay không.

Nhu cầu thực phẩm thay đổi cần một lượng đáng kể nguyên liệu protein đầu vào cho phát triển chăn nuôi gia cầm cho thực phẩm thịt. Thức ăn chăn nuôi giàu protein trong tương lai sẽ phải được phát triển riêng biệt với đất trồng trọt nhằm tránh những thay đổi quá trình sử dụng đất, ví dụ như phá rừng để phát triển thức ăn chăn nuôi.

Chăn nuôi côn trùng cũng như vi tảo là những ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh trên toàn cầu và ở Đức nhằm đáp ứng nhu cầu protein cho con người và động vật.

Chăn nuôi gà công nghiệp

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Gottingen đã thực hiện những nghiên cứu, điều tra xác định những nguồn protein mới có làm thay đổi chất lượng thịt truyền thống hay không. Kết quả điều tra  nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp (JSFA).

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ của dự án "Chuyển đổi bền vững trong sản xuất thực phẩm", gà thịt được vỗ béo bằng phương pháp sử dụng thức ăn với nguồn protein chính là bột đậu nành, tảo xoắn và côn trùng.

Các nhà nghiên cứu theo dõi quá trình tăng trưởng động vật, chất lượng thịt (đặc biệt là thời hạn sử dụng) và chất lượng thực phẩm.

Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và phân tích cảm quan (thử nghiệm vị giác) đối với 132 con gà cho thấy ấu trùng ruồi lính đen và tảo xoắn có thể được đưa vào thức ăn gia cầm mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm.

Gà được nuôi bằng thức ăn ấu trùng ruồi lính đen cho thịt tương đương với các loại ngũ cốc khác nhưng tốc độ phát triển nhanh hơn. Gà được nuôi bằng tảo xoắn tạo ra thịt có màu sắc và hương vị đậm đà hơn.

Theo TS Brianne Altmann, một trong những nhà nghiên cứu, cả hai loại thực phẩm chăn nuôi đều chứng minh được là những lựa chọn thay thế tiềm năng cho bột đậu nành trong việc tìm kiếm nguồn protein mới cho thức ăn chăn nuôi.

Vi tảo hiện được nuôi trồng trên toàn cầu để sản xuất nhiên liệu sinh học, thức ăn chăn nuôi và nhu cầu của con người; nhưng giá thành đắt hơn nhiều so với bột đậu nành.

Hiện tại ở Liên minh châu Âu (EU), côn trùng chỉ được phép sử dụng làm thực phẩm cho con người và cho cá ăn; nhưng trong tương lai gần, có thể được chấp thuận cho thức ăn gia cầm. Theo quy định của EU, tất cả các loại côn trùng, tảo nuôi cấy để làm thức ăn chăn nuôi phải được cấp giấy chứng nhận.

TS Daniel Mörlein, giáo sư về chất lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật giải thích, tính bền vững môi trường đòi hỏi phải sử dụng chất thải trong phát triển côn trùng cho thức ăn chăn nuôi".

Ba nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Khoa học Nông nghiệp, Đại học Gottingen hiện đang điều nghiên cơ sở căn bản các loại thực phẩm từ thực vật và động vật, đảm bảo tính bền vững của môi trường và được xã hội chấp nhận. Các nhà khoa học thuộc Gottingen nghiên cứu xác định chất lượng của các loại thực phẩm khác nhau trong phòng thí nghiệm hiện đại cũng như khả năng chấp nhận của người tiêu dùng.

Mục đích then chốt của những nghiên cứu nhằm hướng tới việc phát triển thực phẩm bền vững, đáp ứng sự gia tăng nhu cầu của thế giới nhưng không làm xáo trộn việc khai thác sử dụng tài nguyên môi trường.

Nguồn: Khoa học & Đời sống

 

Bình luận