Theo dòng sự kiện

Phát hiện chất giúp cải thiện chất lượng sữa bột ngang với sữa mẹ

04/11/2019, 06:02

Sữa mẹ luôn được công nhận là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số bà mẹ không có đủ sữa hoặc phải lựa chọn thay thế bằng các loại sữa công thức.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện một trong những thành phần chủ chốt tạo nên nguồn dinh dưỡng vượt trội trong sữa mẹ. Với những hiểu biết thu thập được từ nghiên cứu, các nhà khoa học bắt đầu tạo ra một loại sữa công thức cải tiến mang lại cho trẻ những lợi ích tương tự sữa mẹ, bao gồm khả năng thúc đẩy sự phát triển não bộ.
 
Không chỉ chứa lượng calo đủ để bé phát triển, sữa mẹ còn có các thành phần dinh dưỡng đa dạng, chẳng hạn như các tế bào bạch cầu giúp chống nhiễm trùng và các chất dinh dưỡng đặc biệt giúp xây dựng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh nhằm thúc đẩy và phát triển sự tăng trưởng, hệ miễn dịch khỏe mạnh và sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, một số thành phần trong sữa mẹ còn đóng vai trò trọng tâm trong sự phát triển não bộ ở trẻ.
 
Một trong những thành phần chủ yếu của sữa mẹ là các giọt chất béo được phủ bởi một màng sinh chất chứa các dưỡng chất như đạm (protein), các loại đường và chất béo (lipid). Những dưỡng chất trong màng cầu béo (MFGM) này khó có thể tìm thấy ở các hỗn hợp sữa công thức.
 
Theo đồng tác giả nghiên cứu John Colombo (ĐH Kansas, Mỹ), các bằng chứng khoa học đều đang cho thấy những dưỡng chất trong màng MFGM này đóng vai trò rất quan trọng (với sự phát triển của trẻ). Ở các loại sữa thuần nhất (homogenized milk), các giọt chất dinh dưỡng này đã bị phân giải, nghĩa là các dưỡng chất MFGM đều bị loại bỏ.
 
Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các dưỡng chất MFGM, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng trên 300 trẻ sơ sinh tại Trung Quốc, với một nửa số trẻ ăn sữa công thức chuẩn và một nửa ăn sữa công thức được bổ sung MFGM từ bò.
 
Kết quả cho thấy công thức được bổ sung MFGM đem lại kết quả ấn tượng, khi số trẻ được cung cấp có chỉ số phát triển thần kinh trong giai đoạn 4 đến 9 tháng tuổi cao hơn hẳn trẻ ăn sữa thường. Ngoài ra, trẻ phát triển các kĩ năng chú ý dài hạn và các kĩ năng ngôn ngữ tốt hơn trong giai đoạn 1 năm và 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cũng ít gặp các vấn đề về đường tiêu hóa và hô hấp hơn.
 
Tuy nhiên, do vẫn ở bước đầu nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn bản chất mối liên hệ giữa MFGM với sự phát triển nhận thức của trẻ. Các nhà nghiên cứu kì vọng thử nghiệm của họ sẽ đặt nền móng đầu tiên cho các nghiên cứu về sau.
Công Nhất ( theo iflscience)
Nguồn: Khoa học & Phát triển

 

 

Bình luận