Thủ tướng: Phải liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện
TNNN - Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành y tế tại hội nghị Y tế toàn quốc, diễn ra ngày 06/01/2021.
- Đơn vị đầu tiên thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7 có phòng xét nghiệm đạt công nhận ISO 15189
- 10 sự kiện y tế và phòng chống dịch của Việt Nam năm 2020
- Khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU
- ISO 13485: 2016 và CE cho trang thiết bị y tế
Kết quả đạt được
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, bên cạnh những thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch".
Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bước đầu triển khai có hiệu quả. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên: Nam đạt 168,1cm, tăng 3,7cm so với năm 2009; nữ đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với năm 2009. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình được đổi mới. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tổng thể hoạt động trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe là 23,9% năm 2019, ước 45,6% năm 2020.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2020 tăng 0,1 tuổi so với năm 2019 (từ 73,6 tuổi lên 73,7 tuổi). Duy trì 14 năm liên tiếp (từ 2006) đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2020 ước tính là 2,12 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái.
Hệ thống cung ứng thuốc phủ rộng khắp toàn quốc, mật độ trung bình đạt khoảng 1.600 người dân có một cơ sở bán lẻ thuốc. Các nhà máy sản xuất vaccine trong nước đã cung ứng được 10/11 vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Trong năm 2020, ngành y tế đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến vào chăm sóc, điều trị cho người bệnh: Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng trong 13 ngày;...
Bên cạnh đó, ngành y tế còn đẩy mạnh áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa. Trong 45 ngày kể từ khi phê duyệt, đề án đã kết nối được 1.000 điểm cầu và đến nay đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước. Đến năm 2025, đạt 100% số trạm y tế được trang bị máy vi tính có kết nối internet nhằm triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% người dân được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe liên thông toàn quốc qua bệnh án điện tử.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, ngành y tế tiếp tục ban hành các hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị, trong đó có COVID-19, Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 tăng từ 80,8% lên 83,62% và từ 74,8% lên 78,9% đối với người bệnh ngoại trú.
Đến nay, ngành y tế đã kết nối liên thông 63 Sở Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội của các bộ, ngành, địa phương, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xây dựng, triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 9 tỉnh/thành phố; Triển khai một số các hệ thống thông tin: Quản lý tiêm chủng, dân số, bệnh truyền nhiễm, ngân hàng thuốc, báo cáo về tổ chức và nhân lực của cả nước; Triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020 nhằm giảm gánh nặng sổ sách cho tuyến xã.
Chỉ đạo của Thủ tướng với ngành y tế
Ghi nhận những kết quả đạt được và định hướng hoạt động trong năm tiếp theo của ngành y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 2020 là một năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
Điểm lại một số thành quả nổi bật của ngành y tế, Thủ tướng cho biết, “Công tác xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian qua đã tạo được nền tảng rất quan trọng. Điều đó thể hiện sự thống nhất về ý Đảng, lòng dân, là tổng hòa của ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới đánh giá là một nước thành công trong phòng chống đại dịch, nâng cao uy tín và thương hiệu VIệt Nam trên trường quốc tế”.
Theo đó, năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam, như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện trung ương, tuyến cuối, nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 25 năm 2016 lên 28 năm 2020.
Thủ tướng chia sẻ: “Chúng ta đã rất chú ý đến việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine. Tôi được biết ngày 21/1, các đồng chí đưa vaccine thứ hai và trong tháng 3 là vaccine thứ ba vào thử nghiệm lâm sàng trên người, điều này thể hiện năng lực nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và cả sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian cũng như sự khát khao, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử này”.
Cùng với khống chế thành công đại dịch covid-19, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế đã chú ý đến việc tiếp tục nghiên cứu vaccine phòng covid-19, đưa Việt Nam là một trong 56 nước thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trên người. Việt Nam cũng là một trong 4 nước đầu tiên giải được trình tự gen SARS-CoV-2; là một trong 5 nước đầu tiên sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, và cũng là lần đầu tự sản xuất được máy thở. Điều này thể hiện năng lực nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và cả sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian, sự khao khát bảo vệ người dân trước đại dịch này.
Bày tỏ ghi nhận kết quả ngành y tế đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng cho biết, hầu như năm nào, ngành y tế cũng có những thành tích nổi bật. “Điển hình như ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh; lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103; Bệnh viện Việt Đức tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ghép tạng do chính Bệnh viện lập trong năm 2019 với 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng,…”.
Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt, “giải pháp nào đặt ra trong năm 2021” - Thủ tướng trăn trở. Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn là vấn đề “cần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân về khám chữa bệnh”. Do đó, Thủ tướng đề nghị bản thân ngành y tế cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong thời gian tới.
Với việc đã hoàn thiện 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, ngành y tế đã tạo được tiền đề quan trọng để hiện thực hiện hóa chủ trương mọi người dân Việt Nam đều được bác sĩ quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì vậy, ngành y tế phải tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã, đặc biệt phải tiếp tục hoàn thành gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng, y tế dự phòng, tạo động lực cho hoạt động y tế cơ sở; sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế vùng khó khăn trình Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.
Nêu quan điểm về vấn đề xã hội hóa mọt số lĩnh vực của ngành y tế, Thủ tướng lưu ý rằng, kinh tế trong y tế cần phải phát huy mạnh mẽ trên cơ sở công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “để người dân không phải gánh chịu chi phí không cần thiết, không thể đưa giá thiết bị lên gấp 5-7 lần để lấy chi phí của người bệnh cao hơn 5-7 lần so với bình thường”.
“Chúng ta đã ngăn chặn được khủng hoảng về y tế rất sớm, từ đó ngăn cản được khủng hoảng về kinh tế và ngăn cản thành công khủng hoảng xã hội, đảm bảo việc làm cho người lao động”. Thủ tướng biểu dương và cho biết: “Nếu như để dịch bệnh tràn lan như nhiều nước, thì chắc chắn rằng Việt Nam có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới như các định chế tài chính lớn của toàn cầu đã nhận định. Chúng ta đã cố gắng tối đa để thực hiện thành công mục tiêu kép”.
Đăng Quang