Theo dòng sự kiện

Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam

22/12/2020, 17:12

TNNN - Tăng cường chuyển giao để nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công chính là tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân.

Hành trình chuyển đổi

“Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công” là một mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Trên thực tế dù đã có những chuyển biến tích cực, xã hội hóa các dịch vụ công vẫn rất chậm so với tiến trình đổi mới nền kinh tế, đang gặp nhiều cản trở và hạn chế.

Nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, góp phần cải cách bộ máy hành chính Nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng xã hội hoá dịch vụ công, đi sâu phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để tăng cường thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc 
phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịchvụ công tại Việt Nam" tổ chức sáng 22/12/2020 tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Hải

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công sẽ loại bỏ hoàn toàn vai trò của Nhà nước. Những ý kiến này lo ngại một số vấn đề như giá cả tăng, chất lượng dịch vụ thấp, các vấn đề an sinh xã hội có thể không được bảo đảm. Vai trò của Nhà nước khi đó, thay vì là người chèo đò thì cần chuyển thành người lái đò.

Theo ông Lộc, Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ, nhưng sẽ phải là người đặt ra pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đó. Nhà nước bảo đảm năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ, xử lý những trường hợp gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, chống độc quyền và bảo đảm an toàn cho dịch vụ.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, đề tài nghiên cứu lựa chọn lĩnh vực dịch vụ đánh giá sự phù hợp, lĩnh vực tác động trực tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Theo đó, vai trò của Nhà nước cần có sự thay đổi, tập trung vào việc đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, không thiên vị, khuyến khích các bên cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt với chi phí hợp lý.

“Trong khuôn khổ nghiên cứu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp tham gia vào khảo sát gồm ba nhóm: doanh nghiệp tư nhân trong nước và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến khoảng 42% số nhà cung cấp và xấp xỉ 30% thị phần; doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 7% về số lượng và 26% về thị phần; Đơn vị nhà nước (bao gồm các đơn vị công lập của trung ương, đơn vị sự nghiệp của địa phương và các đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước) chiếm xấp xỉ 51% số lượng và 44% thị phần”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.


Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh: Vũ Hải

Nhìn chung, khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ của các đơn vị nước ngoài tốt nhất trong ba nhóm. Các đơn vị tư nhân trong nước có chất lượng trang thiết bị, trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên kém hơn nhưng khoảng cách này không quá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đánh giá chất lượng trang thiết bị của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà nước là thấp nhất. Thái độ phục vụ của nhân viên trong các đơn vị này cũng kém tích cực hơn so với đơn vị tư nhân trong nước và đơn vị nước ngoài.

15 năm nhìn lại chủ trương xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp

Theo báo cáo của ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay có tình trạng một số chỉ tiêu, lĩnh vực chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện. Trong trường hợp một vài đơn vị cung cấp dịch vụ thì mỗi vùng cũng chỉ có một đơn vị. Điều này dẫn đến tình trạng không có cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ theo chỉ tiêu, lĩnh vực đó. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: dung lượng thị trường không đủ; chi phí đầu tư, mua sắm máy móc quá lớn, hoặc khó tìm được nhân lực phù hợp", ông Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong phỏng vấn sâu cũng không loại trừ nguyên nhân là do chính cơ quan có thẩm quyền chỉ định muốn duy trì số lượng ít như vậy. Điều này khiến cho khách hàng sử dụng dịch vụ không có nhiều sự lựa chọn, gây tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ.


Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định 
VinaCert. Ảnh: Vũ Hải

Để làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert chia sẻ, sau 15 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp, cả nước đã có 03 tổ chức công nhận; 100 tổ chức chứng nhận; 495 tổ chức thử nghiệm; 05 tổ chức kiểm định và 70 tổ chức giám định (số liệu của Tổng cụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch nên chất lượng các dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Điều đó dẫn đến sự buông lỏng, quản lý nửa vời, lãng phí và mất lòng tin ở doanh nghiệp. Chứng nhận sự phù hợp mới chỉ phụ vụ cho hoạt động quản lý trong nước, không xây dựng được thương hiệu quốc gia vì các tổ chức chứng nhận trong nước chưa thể phục vụ và đáp ứng được yêu cầu cho xuất khẩu hàng hóa.

Dẫn ví dụ về sự độc quyền, ông Dũng cho biết: Phòng thử nghiệm của đơn vị đã đầu tư kỹ thuật và thiết bị hiện đại để thực hiện phân tích bệnh dịch tả châu Phi; hoặc đã đầu tư hẳn một Phòng kiểm nghiệm Dược với đầy đủ năng lực đã được Hiệp hội Công nhận Phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (A2LA - thành viên của Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế ILAC), công nhận đủ năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2017; Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chứng nhận đạt “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm” GLP-WHO,… tuy nhiên, để được phép phân tích các chỉ tiêu, đơn vị phải đăng ký và phải được chỉ định, ủy quyền bởi cơ quan chủ quản. Như vậy, với nhiều lĩnh vực và phương pháp thử, mặc dù đơn vị hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng nếu không được chỉ định thì không được làm. Đơn vị nhà nước có lợi thế vượt trội hơn nên các tổ chức tư nhân không thể “lấn sân” được.

Sau khi lắng nghe các tham luận và tổng hợp ý kiến của đại diện các doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp dịch vụ công, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, đây là báo cáo đầu tiên trong lĩnh vực chuyển giao và xã hội hóa dịch vụ công tại Việt Nam. Dịch vụ công ngày càng trở nên quan trọng đối với môi trường kinh doanh, do đó, hội thảo này chính là tổng hợp các tiếng nói từ thực tiễn, Đảng và Nhà nước đang rất cần những tiếng nói ấy để có thể tiếp tục cải tiến và phát triển đất nước.

Tuy đã đạt được một số thành quả nhất định nhưng việc xã hội hóa dịch vụ công còn một số vướng mắc, đó chính là các nút thắt trong cải cách chế độ chủ quản, cải cách thủ tục hành chính, chế độ thu chi,… của cơ quan nhà nước.

“Tăng cường chuyển giao để nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công chính là tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân,…”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm và nhấn mạnh rằng, “Từ hôm nay, chúng ta bắt đầu một hành trình mới, hành trình thúc đẩy mạnh mẽ trong việc đưa ra những sáng kiến thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển giao và phát triển dịch vụ công trong thời gian tới”.

Vũ Hải

Bình luận