Theo dòng sự kiện

Cà phê có công dụng chống ung thư hay gây ung thư?

23/07/2019, 03:50

Kết quả nghiên cứu quy mô lớn tại nước Anh của các nhà khoa học đã cho câu trả lời chính thức về việc cà phê có khả năng gây ung thư hay chống ung thư. Đây cũng là chủ đề được các nhà khoa học trên thế giới tập trung nghiên cứu và có nhiều kết quả trái chiều trong thời gian qua.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland (Úc) vừa công bố kết quả nghiên cứu về "hiệu ứng vô giá trị" của cà phê đối với cơ thể con người. Kết quả này có thể là kết thúc cho tranh cãi đã dấy lên từ năm 2018 sau một phán quyết của một Tòa án ở California (Mỹ) cho rằng, “cà phê có khả năng gây ung thư”.


Cà phê không có khả năng gây ung thư và cũng không có tác dụng chống ung thư. Ảnh minh họa/internet.

Để tiến hành nghiên cứu, các tác giả đã sử dụng nguồn dữ liệu từ nước Anh - quốc gia đang sở hữu ngân hàng dữ liệu sức khỏe quy mô lớn, khảo sát chuẩn. Trong ngân hàng dữ liệu có 46.155 người là bệnh nhân ung thư, số còn lại là người khỏe mạnh dùng để đối chiếu. Trong số bệnh nhân ung thư, có 7.000 người đã điều trị thất bại và tử vong.

Trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học International Journal of Epidemiology, nhóm tác giả đã khẳng định, việc thêm hay bớt một vài tách cà phê trong ngày không hề ảnh hưởng đến nguy cơ mắc hoặc chết vì bệnh ung thư của hơn 316.000 tình nguyện viên tham gia công trình nghiên cứu. Vì vậy, hãy cứ thưởng thức cà phê theo cách bạn muốn.

Năm 2018, một thẩm phán ở Los Angeles (California) đã ra phán quyết, buộc thương hiệu cà phê Starbucks phải dán nhãn cảnh báo nguy cơ gây ung thư lên các sản phẩm bán tại California. Thông tin này ngay sau đó đã gây hoang mang lớn trong dư luận.

Sự việc ở California bị nhiều nhà khoa học phản đối, trong đó có các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard danh tiếng. Bang California ngay sau đó đã rút lại quyết định dán nhãn "gây ung thư" cho cà phê.

Trước đó đã có một số nghiên cứu trên động vật cho rằng, acrylamide - một chất có trong cà phê có thể làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư; axit chlorogenic - một hợp chất khác trong cà phê, là chất chống ung thư mạnh…

Nghiên cứu của Đại học Queensland được đánh giá cao bởi đó là nghiên cứu dịch tễ học dựa trên con người.

Điều trị vết thương do biến chứng bệnh tiểu đường

Trong một nghiên cứu mới đây của Đại học Padjadjaran (Indonesia) cho thấy, bột cà phê có thể áp dụng để điều trị vết loét do bệnh tiểu đường gây ra. Kết quả thí nghiệm được thực hiện trên một nam bệnh nhân đã có chỉ định cắt cụt chi.

Theo bài công bố đăng trên tạp chí khoa học American Journal of Medical Case Reports (Mỹ), nhóm tác giả đến từ Đại học Padjadjaran (Tây Java, Indonesia) đã điều trị cho một bệnh nhân nam (63 tuổi) đã có chỉ định cắt cụt chi vì 3 vết loét do bệnh tiểu đường gây ra ở phía trên bàn chân phải. Vết thương đã bị nhiễm trùng và đã thất bại trong điều trị. Nếu không cắt đoạn chi, nhiễm trùng có thể diễn tiến nặng, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.

Do nam bệnh nhân từ chối cắt bỏ phần chân này, nên bác sĩ Hendro Yuwono (tác giả chính của báo cáo nói trên) và các cộng sự đã quyết định sử dụng bột cà phê arabica như một loại thuốc trị nhiễm trùng, xát trực tiếp vào vết thương và băng lại. Bệnh nhân được thay băng 1 tuần/lần kết hợp với theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Sau 3 tháng, vết loét bị nhiễm trùng đã được khống chế, đẩy lùi.

"Cà phê có khả năng như một chất chống oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn mạnh. Nhiều hóa chất trong cà phê có thể giữ cho các tế bào của vết thương khỏe mạnh, giúp chúng mau lành hơn", bác sĩ Yuwono tuyên bố trong báo cáo.

Ông cho biết thêm, bột cà phê có thể kháng lại một số nhiễm trùng thông thường như MRSA và E.coli, bằng cách sản xuất hydro peroxide khi nó phản ứng với chất lỏng trong vết thương, giúp giảm khả năng sinh sản của vi khuẩn.

Liệu pháp này cũng đã được bác sĩ Hendro Yuwono và cộng sự thực hiện lâm sàng trên hơn 200 bệnh nhân từ năm 2004 đến nay và chưa có ca nào bị biến chứng. Tuy nhiên, do vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nên mọi quy trình đều được quản lý chặt chẽ và thực hiện trong môi trường vô trùng của bệnh viện.

Trong bối cảnh tình trạng lạm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, kết quả của công trình này đã mở ra triển vọng về một phương pháp điều trị nhiễm trùng giá rẻ, an toàn. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một phác đồ hoàn chỉnh, cần thêm nhiều bước nghiên cứu và thử nghiệm.

Vũ Hải

Nguồn: Daily Mail, Health Prolems Health, The Telegraph, Sputnik

Bình luận