Theo dòng sự kiện

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội xếp thang bậc 4/6

16/09/2019, 13:34

Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại hơn 40 điểm đo của Hà Nội trong 2 ngày 15/9 và 16/9 cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Đáng lo ngại là chỉ số chất lượng không khí AQI tại hơn 40 điểm quan trắc lúc 8 giờ sáng 15/9 đều từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (bậc 4 trong 6 thang bậc chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).


Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa/internet


8 giờ sáng 17/9 nhưng khu đô thị Times City vẫn bao trùm trong khói bụi mù mịt. Ảnh Vũ Hải

Chất lượng không khí như trên được xếp vào nhóm không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người.

Trong các vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất, loại bụi này chứa nhiều hạt kim loại siêu nhỏ, có khả năng gây ung thư, đột biến gene và các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Điểm đo có chất lượng không khí thấp nhất là khu vực Học viện Tài Chính với chỉ số AQI là 179. Các điểm đo ở trung tâm Hà Nội như Bảo Linh (Hoàn Kiếm) là 161, Hàng Trống (Hoàn Kiếm) là 170, Trần Quang Khải là 160. Các điểm đo khác như ngã 6 Ô Chợ Dừa là 164, Thái Hà (Đống Đa) là 155, Ngã Tư Sở là 156.

Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM 2.5) tăng cao đột biến.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô: hoạt động giao thông của 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ôtô, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó là công tác quản lý các công trình xây dựng còn nhiều bất cập; bụi từ các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất, đốt rơm rạ, đốt rác từ các địa phương khác bay về Hà Nội,…

Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài.

V.H

Bình luận