Hơn 11.000 nhà khoa học tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp khí hậu'
TNNN - Hơn 11.000 nhà khoa học trên thế giới đã cùng tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp khí hậu' và kêu gọi thế giới mau chóng hành động để bảo vệ trái đất của chúng ta.
Những đám cháy lớn trên một sườn đồi gần Somis, bang California, Mỹ đầu tháng 11 - Ảnh chụp màn hình Getty
Ngày 5/11/2019, một nhóm hơn 11.000 nhà khoa học đến từ hơn 150 nước trên toàn thế giới đã cùng đưa ra tuyên bố cảnh báo trái đất của chúng ta đang đối mặt với "tình trạng khẩn cấp khí hậu".
"Lượng khí nhà kính thải ra vẫn tăng chóng mặt, dẫn tới những ảnh hưởng mang tính tàn phá ngày càng tăng với khí hậu của trái đất. Chúng ta cần tăng cường những nỗ lực nhằm giữ gìn sinh quyển của mình, giúp tránh hậu quả không kể xiết do cuộc khủng hoảng khí hậu" - các nhà khoa học nêu trong tuyên bố đăng trên tạp chí BioScience.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ chính thức thông báo bắt đầu tiến trình rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 vào ngày ngày 4/11. Mỹ là quốc gia duy nhất trong gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký tham gia thỏa thuận nhưng cuối cùng "quay lưng".
Tiến sĩ Thomas Newsome đến từ Đại học Sydney, một trong các tác giả ra tuyên bố trên cho biết: "Các nhà khoa học có trách nhiệm đạo đức phải thông báo cho nhân loại về bất kỳ mối đe dọa to lớn nào. Từ dữ liệu của chúng tôi đã thấy được rõ ràng việc chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp khí hậu".
Theo báo USA Today, đây là lần đầu tiên một nhóm nhà khoa học cùng sử dụng từ "tình trạng khẩn cấp" để nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Cách đây khoảng 4 thập niên, các nhà khoa học đến từ 50 quốc gia từng dự đoán rằng tình trạng nóng lên toàn cầu cuối cùng sẽ trở thành một thách thức môi trường to lớn.
Các nhà khoa học nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu có mối liên hệ với "tình trạng tiêu thụ quá mức từ cách sống giàu sang". Họ cho biết thêm, những quốc gia giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho lượng khí nhà kính phát thải cao ở mức kyhr lục.
Trong tuyên bố trên, các nhà khoa học đã đưa ra hơn chục biểu đồ cho thấy một phạm vi thay đổi rộng lớn trong các hoạt động của con người ở mức toàn cầu từ năm 1979 tới nay, gồm: tăng lượng khí nhà kính phát thải đáng kể, di chuyển bằng đường hàng không, GDP toàn cầu, tiêu thụ năng lượng, dân số, lượng cây xanh bao phủ...
Các nhà khoa học kêu gọi cần có những thay đổi chính sách rộng lớn, gồm chuyển sang sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm đáng kể các chất thải gây ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và môi trường biển đang bị đe dọa, giảm lãng phí thức ăn và xây dụng một "nền kinh tế phi carbon".
Một ý tưởng chính sách có thể gây nhiều tranh cãi được đưa ra là kiểm soát dân số. Các nhà khoa học viết: "Dân số thế giới phải được ổn định và giảm dần dần một cách lý tưởng".
Tuyên bố kết lại bằng việc nói rằng: "Chúng tôi tin sẽ có những viễn cảnh tuyệt vời nhất nếu các nhà làm chính sách và toàn thể nhân loại nhanh chóng phản ứng với lời cảnh báo cùng tuyên bố về tình trạng khẩn cấp khí hậu này, đồng thời hành động để duy trì sự sống trên trái đất - ngôi nhà duy nhất của chúng ta".
Nguồn: https://tuoitre.vn/