“Mũi hóa học” đánh hơi khác biệt quan trọng trong cấu trúc ADN
TNNN - Sử dụng công nghệ được mô tả là “mũi hóa học”, các nhà hóa học của Đại học California - Riverside (UCR) có thể “ngửi thấy” khi các đoạn ADN được gấp lại theo những cách bất thường.
Những thay đổi nhỏ trong cấu trúc của ADN có liên quan đến ung thư vú và các bệnh khác, nhưng cho đến nay chúng cực kỳ khó phát hiện. Sử dụng công nghệ được mô tả là “mũi hóa học”, các nhà hóa học của Đại học California - Riverside (UCR) có thể “ngửi thấy” khi các đoạn ADN được gấp lại theo những cách bất thường.
Giáo sư hóa học Wenwan Zhong, tác giả nghiên cứu cho biết, nếu một chuỗi ADN được gấp lại, nó có thể ngăn cản quá trình phiên mã của một gene liên kết. Nói cách khác, điều này có thể làm “im lặng” một gene có khả năng gây ung thư hoặc thúc đẩy khối u. Ngược lại, các nếp gấp ADN có thể ngăn không cho các protein virus được sản sinh để giảm thiểu phản ứng miễn dịch.
Việc nghiên cứu những nếp gấp này dù có tác động tích cực hay tiêu cực, trước tiên đòi hỏi các nhà khoa học phải phát hiện ra sự hiện diện của chúng. Để làm được điều đó, các nhà khoa học, đã phát triển mũi hóa học bao gồm 3 phần: phân tử vật chủ, phân tử “khách” huỳnh quang và ADN, là mục tiêu. Khi có các nếp gấp mong muốn, “vị khách” sẽ phát sáng, cảnh báo các nhà khoa học về sự hiện diện của chúng trong một mẫu.
Nguồn: Khoa học & Đời sống