Người từng nhiễm cúm thông thường do virus corona sẽ ít mắc COVID-19 nặng
TNNN - Một nghiên cứu từ Đại học Y khoa Stanford cho thấy những người đã từng nhiễm cúm do virus corona trước đây thường chỉ gặp các triệu chứng COVID-19 nhẹ, vì hệ thống miễn dịch của họ đã gặp và "ghi nhớ" virus corona.
Vì đã tiếp xúc với các loại virus corona họ hàng khác, các tế bào miễn dịch có thể nhanh chóng chống lại SARS-CoV-2, loại virus corona gây ra COVID-19, theo một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Science Immunology.
Phát hiện này có thể giúp giải thích tại sao một số người, đặc biệt là trẻ em, có vẻ ít bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2. Kết quả này cũng có thể giúp dự đoán ai là những người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Các tế bào miễn dịch nói trên, được gọi là tế bào T, di chuyển trong máu và bạch huyết, bám vào các mô và "tuần tra" các tế bào. Nghiên cứu mới cho thấy các tế bào T được lấy từ những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất có ít dấu hiệu của việc đã từng tiếp xúc với các virus corona gây cảm lạnh thông thường.
Các cuộc thảo luận về khả năng miễn dịch đối với COVID-19 thường tập trung vào các kháng thể - các protein có thể bám vào virus và ngăn nó lây nhiễm vào tế bào. Nhưng các kháng thể rất dễ bị đánh lừa, Tiến sĩ Mark Davis, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học, Giám đốc Viện Miễn dịch, Cấy ghép và Nhiễm trùng của Stanford, cho biết. Davis là tác giả chính của nghiên cứu mới.
Davis nói: "Các mầm bệnh phát triển nhanh chóng và 'học cách' giấu các đặc điểm quan trọng của chúng để che mắt các kháng thể của chúng ta. Nhưng tế bào T nhận ra mầm bệnh theo một cách khác và rất khó để đánh lừa tế bào T". Do đó tế bào T là yếu tố quan trọng tạo ra khả năng miễn dịch.
Ảnh minh họa: Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội. Nguồn: nhandan.vn.
Chìa khóa nằm ở tế bào T “ghi nhớ”
Các tế bào của chúng ta thường "báo cáo" về trạng thái bên trong của chúng bằng cách trưng bày các peptit - mảnh nhỏ của các protein mà chúng sản xuất - trên bề mặt tế bào để tế bào T đi kiểm tra.
Khi thụ thể của tế bào T nhận thấy một peptit bất thường trên bề mặt tế bào, không thuộc về tế bào đó, ví dụ như peptit từ một protein do vi sinh vật xâm nhập tạo ra - tế bào T sẽ tuyên chiến. Nó nhân lên nhanh chóng và tấn công các tế bào mang peptit bất thường - dấu hiệu cho biết tế bào đó đã bị một vi khuẩn gây bệnh xâm chiếm.
Một số tế bào T sinh ra từ quá trình này, các "tế bào T ghi nhớ", có độ nhạy và tuổi thọ rất cao. Chúng tồn tại trong máu và bạch huyết trong nhiều thập kỷ, sẵn sàng tấn công ngay nếu gặp lại các peptit kích hoạt sự sản sinh ra chúng. Cơ chế này giúp cơ thể nhanh chóng ngăn chặn một loại virus đã gặp trước đó, hoặc một loại virus họ hàng gần giống.
Khi đại dịch COVID xảy ra, Davis đặt câu hỏi: "Tại sao nhiều người bị bệnh nặng hoặc chết vì COVID-19, trong khi những người khác bị bệnh nhẹ đến mức không biết mình mắc bệnh?".
Để tìm hiểu, tiến sĩ Vamsee Mallajosyula thuộc nhóm của Davis, phân tích và nhận thấy một số phần trong trình tự của SARS-CoV-2 giống hệt với các phần tương ứng của bốn chủng virus corona phổ biến gây cảm lạnh. Sau đó, Mallajosyula tập hợp một bảng gồm 24 trình tự peptit. Các peptit này hoặc là chỉ được tạo ra bởi SARS-CoV-2 hoặc là được tạo ra bởi cả SARS-CoV-2 và các chủng virus corona theo mùa.
Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích mẫu máu lấy từ những người hiến tặng khỏe mạnh, chưa bao giờ gặp SARS-CoV-2 - nhiều người trong số này có thể đã tiếp xúc với các chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường. Các nhà khoa học đã xác định số lượng tế bào T trong mẫu máu nhắm mục tiêu đến mỗi peptit có trong bảng 24 peptit.
Kết quả, họ phát hiện, các tế bào T nhắm vào các peptit - được tạo ra bởi cả SARS-CoV-2 và các virus corona khác - có khả năng nhân lên nhanh hơn, so với các tế bào T chỉ nhắm vào các peptit do riêng SARS-CoV-2 tạo ra. Các tế bào T nhắm mục tiêu đến các chuỗi peptit chung có thể đã từng gặp một chủng virus corona trước đây - do đó có khả năng nhân lên và phản ứng nhanh chóng hơn, Davis nói.
Nói cách khác, các tế bào T này đang ở chế độ "ghi nhớ", còn tế bào T tấn công peptit của riêng SARS-CoV-2 thì mới tiếp xúc với virus lần đầu.
Davis cho biết, các tế bào T chỉ nhắm mục tiêu các chuỗi peptit do riêng SARS-CoV-2 tạo ra phải mất vài ngày để nhân lên sau khi tiếp xúc với peptit. Trong khi các tế bài T nhắm mục tiêu peptit chung nhân lên gần như ngay lập tức. Davis nói: “Khoảng thời gian chênh lệch này có thể là sự khác biệt giữa việc bệnh không triệu chứng hoặc chết vì COVID".
Davis nói: “Cho đến nay, các tế bào T ghi nhớ là tế bào hoạt động tích cực nhất trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm, giúp chống lại mầm bệnh tái phát. Chúng ta tiêm vaccine để tạo ra tế bào này".
Xác nhận kết quả
Để kiểm tra giả thuyết này, Davis và các đồng nghiệp đã chuyển sang các mẫu máu của bệnh nhân COVID-19 và phát hiện: những bệnh nhân COVID-19 nhẹ thường có nhiều tế bào T ghi nhớ, nhắm vào peptit chung giữa SARS-CoV-2 và các chủng virus corona khác. Trong khi đó, các bệnh nhân nặng chủ yếu chỉ có tế bào T nhắm vào peptit của riêng SARS-CoV-2, cho thấy tế bào T của họ lần đầu gặp virus corona và phải phát triển phản ứng miễn dịch từ đầu.
Davis nói: “Có thể những bệnh nhân bị COVID-19 nặng hơn chưa từng bị nhiễm, hoặc gần đây không bị nhiễm, các chủng virus corona khác, vì vậy họ không có các tế bào T ghi nhớ vận hành nhanh chóng và hiệu quả”.
Davis lưu ý, các chủng virus corona theo mùa gây cảm lạnh thường phổ biến ở trẻ em, đây cũng là nhóm hiếm khi có bệnh trạng COVID-19 nghiêm trọng. Davis nói: "Cảm cúm thường xuyên xuất hiện trong môi trường nhà trẻ và virus corona là một phần lớn nguyên nhân. Có tới 80% trẻ em ở Mỹ phơi nhiễm với virus corona theo mùa trong vài năm đầu đời".
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn