Nhân giống cây bá bệnh bằng hệ thống chiếu sáng đơn sắc
TNNN - Nhóm tác giả tại Viện Sinh học Nhiệt đới đã nghiên cứu và xây dựng quy trình ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (đèn LED) trong nhân giống cây bá bệnh, nhằm tiết kiệm chi phí và chủ động cung ứng lượng lớn trong sản xuất cây giống.
Cây bá bệnh (tên khoa học là Eurycoma longifolia), là loại dược liệu có chứa các hợp chất quý như quassinoid, triterpen, các alkaloid… dùng để chữa các bệnh sốt rét, tiểu đường, kháng viêm, giảm stress, tăng cường miễn dịch, chức năng sinh lý, ngăn ngừa khối u,… Đặc biệt, hợp chất quassinoid có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh nội tiết tố nam testosterone một cách tự nhiên, làm tăng cường sinh lý ở nam giới. Đây là một trong những công dụng được nghiên cứu nhiều nhất ở cây bá bệnh.
Với nhiều công dụng nổi bật, cây bá bệnh đang bị khai thác ồ ạt, mất kiểm soát. Hình thức khai thác chủ yếu là đào lấy rễ, nên số lượng cá thể của loài cây này trong thiên nhiên bị suy giảm nhanh chóng và đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, việc nhân giống và sản xuất cây bá bệnh để cung cấp nguồn dược liệu và bảo tồn loài cây này là rất cần thiết.
Hiện nay, hình thức nhân giống cây bá bệnh chủ yếu là thông qua hạt. Tuy nhiên, phương pháp này có hệ số nhân giống thấp do số lượng hạt trên cây hạn chế và mỗi năm cây chỉ cho hạt một lần, không đáp ứng nhu cầu thực tế.
Do đó, Viện Sinh học Nhiệt đới đã thực hiện đề tài “Ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) lên khả năng nhân giống cây bá bệnh thông qua phôi vô tính”. Qua nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình nhân giống in vitro thông qua phôi vô tính của cây bá bệnh, tạo cây từ phôi và trồng cây con ở vườn ươm.