Những công nghệ tiên tiến giúp con người chiến đấu với Covid-19
TNNN - Dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới. Trong cuộc chiến này, các nhà khoa học đã và đang sử dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, hỗ trợ xử lý dữ liệu ngăn chặn virus.
Vectơ adenoviral
Trong những ngày đầu của sự lây truyền SARS-CoV-2, các nhà khoa học từ CanSino Biologics ở Trung Quốc, Johnson & Johnson ở Hoa Kỳ, Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya ở Nga, và Đại học Oxford (sau đó có sự tham gia của AstraZeneca) ở Vương quốc Anh bắt đầu sử dụng vectơ adenoviral để sản xuất văcxin Covid-19.
Vectơ adenoviral mang mã gene mới vào cơ thể, kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Các vectơ adenoviral là phiên bản rỗng của adenovirus, loại virus gây cảm lạnh thông thường. Các virus, gọi là vectơ adenoviral, được thiết kế để đưa một gene từ SARS-CoV-2 vào cơ thể con người.
Theo C&EN, vectơ adenoviral là công cụ linh hoạt mà các nhà khoa học có thể chuyển gene mới, chẳng hạn như ADN mã hóa protein đột biến SARS-CoV-2, vào các vectơ sau đó được nuôi cấy, phân lập và đóng gói thành văcxin. Như với tất cả các loại văcxin, mục tiêu đặt ra là đánh lừa hệ miễn dịch, khiến cơ thể xác định đã bị nhiễm virus.
Sau khi được tiêm vào cơ thể, các vectơ adenoviral sẽ chèn vào những tế bào và đánh lừa các tế bảo sản xuất các protein spike (protein dằm) của coronavirus, kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào T, sẽ được sử dụng để tiêu diệt coronavirus trong trường hợp nhiễm bệnh.
Văcxin RNA Messenger (mRNA)
Tháng 12/2020, văcxin mRNA thứ 3 đã được đưa ra thị trường Anh, Mỹ, Canada và các quốc gia khác. Đây là một loại văcxin mới, bảo vệ con người khỏi những bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Không giống như các loại văcxin thông thường, cung cấp khả năng miễn dịch bằng cách đưa vào cơ thể một dạng virus đã suy yếu, văcxin mRNA dạy các tế bào phương pháp tạo ra một loại protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch để tạo ra kháng thể.
Phương pháp sử dụng mRNA để tạo ra protein spike, kích hoạt hệ miễn dịch cơ thể.
Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Quốc tế), văcxin mRNA là mới nhưng không phải là chưa biết. Các nhà khoa học đã nghiên cứu mRNA trong nhiều thập kỷ vì có thể được phát triển trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng các vật liệu sẵn có, khiến quy trình được chuẩn hóa và mở rộng để quá trình phát triển văcxin nhanh hơn so với phát triển văcxin truyền thống.
Công nghệ này được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, được sử dụng để tạo ra kháng thể chống lại các virus khác, như virus Zika, bệnh dại, cúm và cytomegalovirus (CMV). Công nghệ văcxin mRNA trong tương lai có thể cho phép các nhà khoa học tạo ra một loại văcxin đa năng, có khả năng bảo vệ chống lại hàng loạt các bệnh lây nhiễm virus khác nhau.
Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR
Công nghệ CRISPR được biết đến rộng rãi với việc sử dụng như một công cụ chỉnh sửa gene. Nhưng trong đại dịch, công nghệ này có mục đích mới là một giải pháp được lựa chọn để chẩn đoán Covid-19.
Theo NIH, các phương pháp sử dụng công nghệ CRISPR-Cas có thể chẩn đoán nhiễm trùng SARS-CoV-2 chỉ trong một giờ. Các nhà nghiên cứu coi công nghệ này như một giải pháp thay thế để phát triển một kỹ thuật chẩn đoán nhanh chóng và chính xác.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sử dụng CRISPR tạo ra khả năng điều trị kháng virus.
Ngay cả với tiềm năng trở thành một phương thức điều trị, CRISPR cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn rất lớn để được chấp thuận thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người.
Việc nghiên cứu xác định những rủi ro tiềm ẩn, liên quan đến sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR có thể có ý nghĩa quan trọng cho những phương pháp điều trị chống lây nhiễm trong tương lai, sau đại dịch Covid-19.
Nguồn: Khoa học & Đời sống