Rubella có thể lây truyền từ động vật sang người
TNNN- Trước đây, loại virus gây ra bệnh Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức) là ‘thành viên’ duy nhất trong chi Rubivirus và các nhà khoa học chưa bao giờ xác định được họ hàng gần của nó. Tuy nhiên, một bài báo trên tạp chí Nature mới đây đã cho thấy, rubella có một ‘gia đình’ với hai virus họ hàng ruhugu và rustrela.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này là một minh chứng quan trọng cho việc ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, một loại virus tương tự đã lây truyền từ động vật sang người và sinh ra virus rubella ngày nay.
Mặc dù những virus mới được tìm ra chưa cho thấy khả năng truyền bệnh từ động vật sang người, tuy nhiên việc có một loại virus lây truyền giữa các loài động vật khác nhau đã làm dấy lên lo ngại: hai virus này và cả những virus khác chưa được biết đến sẽ gây bùng phát dịch bệnh cho con người. Nhà dịch tễ học Tony Goldberg của Đại học Wisconsin, Madison, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: “Sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay”.
Là loại virus có khả năng lây nhiễm rất cao, virus rubella thường gây ra sốt và phát ban. Tuy nhiên đối với phụ nữ có thai, nó còn có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, hoặc con sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh - bị điếc và có các vấn đề về mắt, tim và não.
Theo ước tính, có khoảng 100.000 trẻ sơ sinh bị hội chứng này ảnh hưởng mỗi năm, trong đó các ca hầu hết xảy ra ở châu Phi, phía Tây Thái Bình Dương và phía Đông Địa Trung Hải. Ở nhiều quốc gia khác, vaccine đã làm hạn chế sự lây lan của sởi, quai bị và rubella (MMR).
Goldberg và sinh viên cũ của mình là Andrew Bennett đã phát hiện ra một trong hai loại virus mới ở ruhugu, các con dơi nếp mũi cyclops dường như rất khỏe mạnh ở Vườn quốc gia Kibale tại Uganda. Ruhugu có cấu trúc bộ gene giống hệt với cấu trúc của virus rubella, đồng thời 56% axit amin trong 8 protein của nó cũng khớp với axit amin của rubella. Các protein tương tác với các tế bào miễn dịch của vật chủ cũng gần như giống hệt nhau ở cả hai loại virus.
Trong khi chuẩn bị công bố kết quả này, họ biết một nhóm nghiên cứu khác do Martin Beer thuộc Viện Nghiên cứu Friedrich-Loeffler dẫn dắt cũng phát hiện ra một họ hàng của rubella trong mô não của một con lừa, một con kangaroo và một con chuột lang nước – chúng đều chết vì bệnh viêm não tại một vườn thú.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện loại virus tương tự ở chuột đồng cổ vàng hoang dã bắt tại sở thú hoặc trong khu vực có bán kính 10 km. Những con chuột này dường như đều khỏe mạnh, cho thấy chúng có thể chính là một ổ virus tự nhiên làm lây lan virus sang những động vật khác.
Khi so sánh các dữ liệu với nhau, các nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, hai loại virus mà họ phát hiện ra đều liên quan đến nhau, mặc dù virus ruhugu có quan hệ gần gũi với rubella hơn loại virus thứ hai có tên là rustrela - được đặt theo tên một đầm phá ở biển Baltic. Trước kết quả này, cả hai nhóm đã quyết định công bố nghiên cứu cùng nhau.
Goldberg cũng lưu ý, hai loại virus khác chủ yếu gây bệnh cho trẻ em là sởi và quai bị cũng bắt nguồn từ động vật. Ông nói: “Bây giờ chúng ta đã biết được rằng cả ba bệnh sởi, quai bị và rubella trong tên vaccine MMR đều có nguồn gốc từ động vật”. Họ lo ngại sẽ có thể tìm thấy các loại virus Rubivirus khác khi tiếp tục nghiên cứu.
Nhà nhân chủng học phân tử Anne Stone ở ĐH bang Arizona đánh giá, công bố này “có ý nghĩa rất quan trọng bởi trước đây chúng ta gần như chưa biết về nguồn gốc của rubella. Chúng ta chưa biết bất kỳ họ hàng gần nào của nó”. Bà cũng cho biết, những kết quả nghiên cứu đã làm nổi bật tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe (One Health) - hướng tiếp cận cho rằng sức khỏe của con người có liên quan mật thiết đến sức khỏe của động vật và môi trường xung quanh.
Nguồn: Khoa học & Phát triển