Theo dòng sự kiện

Sản xuất thức ăn chăn nuôi thô xanh dạng lỏng bằng công nghệ vi sinh

11/01/2021, 10:07

TNNN - Đề tài không chỉ đạt được hiệu quả cao về mặt khoa học công nghệ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu kinh tế, xã hội trong chăn nuôi.

Bộ Công Thương vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi thô xanh dạng lỏng bằng công nghệ vi sinh để nâng cao hiệu suất chuyển hóa thức ăn và chất lượng thịt lợn”.

Đề tài do PGS. TS. Phí Quyết Tiến - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ nhiệm, nằm trong Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.


Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài

Chăn nuôi lợn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta, các sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn  xuất khẩu sang các nước khác. Trong ngành chăn nuôi lợn thì vấn đề thức ăn chiếm tới 70% chi phí và là yếu tố quyết định tới chất lượng, giá thành thịt lợn. Trong khi đó, các nguyên liệu sẵn có như thức ăn xanh, phụ phẩm công nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả. Vì vậy, cần có các giải pháp thích hợp để tận dụng được nguồn tài nguyên này, giảm thiểu mức độ phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, có một mặt hạn chế đó là thức ăn xanh và phụ phẩm thường giàu chất xơ, có giá trị dinh dưỡng thấp, khó tiêu hóa, dẫn tới không đảm bảo năng suất chăn nuôi, và khó thâm canh số lượng lớn. Xuất phát từ thực tế đó, đề tài đã nghiên cứu, tạo ra chế phẩm sịnh học lên men và bảo quản thức ăn thô xanh, tận thu phế phụ phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường.


Chủ nhiệm đề tài – PGS. TS. Phí Quyết Tiến trình bày báo cáo tổng kết tại buổi nghiệm thu.

Với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được chế phẩm vi sinh vật có khả năng lên men nguồn thức ăn thô xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn hỗn hợp dạng lỏng nhằm nâng cao hiệu suất chuyển hóa thức ăn và chất lượng thịt trong chăn nuôi lợn thịt, đề tài đã thực hiện nghiên cứu, khai thác nguồn vi sinh vật có lợi từ nguồn sẵn có tại địa phương để lên men thức ăn thô xanh hiện rất dồi dào tại Việt Nam. Nghiên cứu của đề tài đã tạo thành công chế phẩm sinh học dạng bột và ứng dụng cho lên men thức ăn thô xanh dạng lỏng để cải thiện tăng trọng, giảm chi phí thức ăn, nâng cao tỷ lệ tiêu hóa năng lượng, protein acid amin trong khẩu phần ăn của lợn và lại không gây ô nhiễm môi trường.


Sản phẩm chế phẩm sinh học thức ăn chăn nuôi cho lợn của đề tài

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy các giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội mà đề tài đã đạt được. Việc áp dụng chế phẩm sinh học ứng dụng thức ăn thô xanh lên men lỏng tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn xanh hiện có làm giảm chi phí thức ăn so với việc sử dụng thức ăn hỗn hợp, từ đó làm tăng lợi nhuận và nâng cao hiệu quả kinh tế. Về hiệu quả xã hội, sản phẩm của đề tài giúp giảm chi phí, tăng cường tiêu hóa cho lợn, giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải và nước thải chăn nuôi, giảm được mùi trong qua trình chăn nuôi, không ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống của người chăn nuôi.

Tại buổi nghiệm thu, hội đồng đánh giá cao tính thực tiễn và ứng dụng mà đề tài mang lại. Đề tài không chỉ đạt được hiệu quả cao về mặt khoa học công nghệ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu kinh tế, xã hội trong chăn nuôi. Tuy nhiên, cần phải bổ sung chi tiết các phương pháp nghiên cứu đã áp dụng, số liệu thống kê trong báo cáo tổng kết để thấy rõ được các tiêu chuẩn kỹ thuật và thành quả công nghệ thu được.

Hội đồng cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ và đạt chỉ tiêu về số lượng, khối lượng và chất lượng theo đúng hợp đồng ký kết với Bộ Công Thương trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành và vấn đề giãn cách xã hội do COVID-19.

Với việc làm chủ kỹ thuật thu hồi vi sinh vật và tạo chế phẩm vi sinh vật ứng dụng cho lên men thức ăn thô xanh dạng lỏng cho chăn nuôi lợn thịt; Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, làm chủ được kỹ thuật lên men thức ăn thô xanh dạng lỏng và làm chủ được nguồn thức ăn cho chăn nuôi lợn thịt; Góp phần phát triển nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo của Viện Công nghệ sinh học, tăng cường gắn kết quan hệ cộng tác giữa nhóm nghiên cứu về công nghệ và các trang trại chăn nuôi, phát triển sản phẩm, đề tài bước đầu đã đem lại những hiệu quả rất đáng ghi nhận về mọi mặt.

Chủ nhiệm đề tài cũng kiến nghị tiếp tục sản xuất chế phẩm vi sinh vật ở quy mô lớn cho phát triển ứng dụng lên men thức ăn thô xanh dạng lỏng cho chăn nuôi, và đề xuất Bộ Công Thương cho phép phát triển đề tài thành dự án sản xuất thử nghiệm.

Có thể nói đây là một đề tài có tính mới tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng rộng vào chăn nuôi và là nhu cầu cấp thiết đảm bảo chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và trong tương lai.

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)

Bình luận