Tạo hành lang pháp lý để phát triển KH&CN Thủ đô
TNNN - Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) diễn ra mới đây tại trụ sở Bộ KH&CN.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Hoàng Giang chủ trì có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN, UBND TP Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo và các chuyên gia.
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - Nguyễn Hồng Tuyến, cho biết: Bộ đã chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, đã có 09 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được quy phạm hóa tại các Chương II, III, IV và V của dự thảo Luật. Trong đó, chức năng quản lý nhà nước của Bộ KHCN được quy định tại các Điều 18, 26, 42, 45, 46 của dự thảo Luật.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Điều 18 dự thảo Luật quy định “Chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ...”
Góp ý nội dung này, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KHCN đề xuất, ngoài sự phù hợp và tính thu hút của hình thức ký hợp đồng đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể nghiên cứu xây dựng các cơ chế ưu đãi về nhà ở, thu nhập, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc.
Về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Điều 26 dự thảo Luật quy định các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vacxin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến; công nghệ vật liệu xây dựng mới.
Theo nhận định của đại diện Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực trọng điểm nêu trên còn trùng lắp với các lĩnh vực công nghệ cao, do đó cân nhắc tên gọi bao quát hơn để tránh liệt kê thiếu sót và tên gọi các lĩnh vực có sự thay đổi sau này.
Điều 26 cũng có quy định vị trí, vai trò của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội; giao UBND thành phố Hà Nội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), trong đó kế thừa các Điều 2, 4, 5 và 6 của Luật Thủ đô năm 2012, còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung 23 điều.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, trong đó quy định một số cơ chế đặc thù để phát triển KH&CN Thủ đô, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi như: áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả sản phẩm; Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm Thủ đô, Vùng Thủ đô được xác định là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà, phương tiện đi lại trong thời gian chủ trì nhiệm vụ.
Các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN được hỗ trợ từ ngân sách TP. Hà Nội kinh phí mua sắm, chi phí vận hành máy, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm. Hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô. Hỗ trợ việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, ứng dụng giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao...
Dự thảo Luật Thủ đô cũng có quy định về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chính sách ưu đãi cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; phân quyền từ UBND TP Hà Nội, UBND quận, huyện, thành phố thuộc TP. Hà Nội cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hà Nội, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố trong lĩnh vực quy hoạch, môi trường...
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, trong 10 năm qua, việc triển khai Luật Thủ đô đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên kỳ vọng tạo đột phá chưa đạt yêu cầu đề ra. Với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là đạo luật rất quan trọng để tạo được kỳ vọng ấy. Bộ KH&CN đã chủ động góp ý, chỉnh lý dự thảo và gửi lấy ý kiến Sở KH&CN 10 tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận một số vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&CN được quy định tại các Điều của Dự thảo Luật Thủ đô: Điều 18 về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Điều 25 về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Điều 42 về mô hình thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực KH&CN; Điều 45 về thu hút nhà đầu tư chiến lược; Điều 46 về ưu đãi đầu tư. Một số vấn đề mới liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN đã được đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng quan điểm trên và để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng mong muốn Bộ KHCN tiếp tục có các ý kiến đóng góp chuyên sâu tập trung về các vấn đề như: nguyên tắc áp dụng mô hình thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực KHCN; nguyên tắc đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách Thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ theo lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; vấn đề đặt ra đối với ưu đãi về thuế trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
“Muốn Hà Nội phát triển đi đầu trong lĩnh vực KHCN mà áp dụng cơ chế chính sách hiện tại thì rất khó. Trong khi đó, Hà Nội có đầy đủ các nguồn lực để phát triển KHCN, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vì vậy cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ và vượt trội”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh./.
PV/TNNN