Theo dòng sự kiện

Tạo tấm tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bệnh tim, giá thể, cấy tế bào.

14/04/2021, 15:16

TNNN - TS Phạm Lê Bửu Trúc và cộng sự ở Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã nghiên cứu tạo ra tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người hướng đến “vá” tạm thời thành tim bị mỏng.

Hiện nay đã có một số thử nghiệm lâm sàng trong điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp tiêm truyền tế bào gốc (hay tế bào tiền thân cơ tim) vào động mạch vành của bệnh nhân. Kết quả ban đầu cho thấy chức năng tim được cải thiện.
 
Tuy nhiên, lượng tế bào tồn tại được trong vùng tim rất thấp, phần lớn tế bào bị trôi đi. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị suy tim nặng do thiếu máu cục bộ lâu dài, dẫn đến xơ hóa và chết các tế bào cơ tim, khiến cho thành tim trở nên rất mỏng, nên việc tiêm tế bào không mang lại hiệu quả cao. Cần tạo ra những tấm tế bào để ghép cho các bệnh nhân này vì chúng cho phép “vá” tạm thời thành tim bị mỏng, giúp tế bào được đưa vào đúng vị trí, hạn chế bị trôi, nhờ đó có thể phát huy tối đa khả năng sửa chữa, tái tạo của chúng trong cơ thể bệnh nhân.
 
TS Phạm Lê Bửu Trúc và cộng sự ở Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã nghiên cứu tạo ra tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người hướng đến “vá” tạm thời thành tim bị mỏng. Theo TS Phạm Lê Bửu Trúc, hiện trong nước có rất ít nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. 
 
 
Các tế bào gốc trung mô bám đầy trên bề mặt giá thểCol-T (C, D), trong khi không tìm thấy trên màng collagen (A, B) Ảnh: NVCC
 
Theo đó, nhóm phân lập và nuôi cấy tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người người đạt chuẩn do Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem cung cấp. Màng ối người được xử lý để tạo giá thể Col-T có bề mặt nhám và được gia cố độ bền. Sau đó, nhóm tiến hành tạo tấm tế bào gốc bằng cách cấy tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người lên giá thể được tạo ra từ màng ối. Kết quả cho thấy, các tế bào được cấy sau 18 giờ bám đầy trên bề mặt giá thể, có khả năng sống và tăng sinh tốt trên giá thể Col-T. Trong khi đó, tế bào gần như không bám và bị trôi đi khi cấy trên màng collagen chưa xử lý (cũng được tạo từ màng ối).
 
Tấm tế bào đạt yêu cầu vô khuẩn khi được kiểm tra; ngoài ra, không gây độc khi được đánh giá độc tính tiếp xúc và độc tính miễn dịch thể theo tiêu chuẩn ISO-10993. Cường độ kéo trung bình của tấm tế bào đạt 2,65Mpa, thích hợp cho việc cấy ghép các mô có tính co bóp liên tục như mô tim.
 
Nghiên cứu của nhóm tác gia đã thành công trong việc tạo ra tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô mô cuống rốn và giá thể Col-T, đạt yêu cầu có thể thử nghiệm cấy ghép in vitro cho người mắc bệnh tim mạch. Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận