Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào xây dựng bệnh án điện tử tại Việt Nam
AI đang và sẽ trở thành công cụ lao động chủ yếu trong mọi lĩnh vực, điển hình như việc dựng bệnh án điện tử tại các bệnh viện tại Việt Nam.
Theo GS. Hồ Tú Bảo (GS danh dự của Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST), hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán – VIASM, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), Al đã có nhiều đột phá trong những thuật toán truyền thống thông qua việc sử dụng học máy. Do đó, AI đang và sẽ trở thành công cụ lao động chủ yếu trong mọi lĩnh vực, và hạ tầng của AI gắn với các công nghệ tạo, lưu trữ dữ liệu.
AI đã được ứng dụng nhiều trên thế giới và trở nên quan trọng hơn ở Việt Nam trong những năm gần đây. Các ứng dụng của Al tăng nhanh trong các ngành: ngân hàng, hàng không, nhận dạng tiếng nói, hình ảnh... và đã đạt được những thành công bước đầu rất ấn tượng.
Còn tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (gọi tắt là Dự án FIRST do Bộ KH&CN chủ quản và Ngân hàng Thế giới tài trợ), các nhà khoa học đã thực hiện tiểu dự án "Phát triển các phương pháp học máy để khai thác bệnh án điện tử phục vụ chăm sóc sức khoẻ và nghiên cứu y học" do GS. Hồ Tú Bảo làm chủ nhiệm, Viện John Von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đơn vị thụ hưởng.
Mục tiêu của tiểu dự án hướng tới những ứng dụng của AI trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng số về y tế, trong đó, mọi công dân đều có thể có và quản lý hồ sơ sức khỏe của mình như tài sản riêng; kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện để tạo dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia; sử dụng AI hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho công dân;…
GS. Hồ Tú Bảo trình bày về ứng dụng của Al trong lĩnh vực y tế.
Để triển khai các nội dung trên, một nhóm các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho phát triển lĩnh vực chuyên môn và ứng dụng trong thực tiễn về máy học, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trên thế giới: GS. Hồ Tú Bảo, GS. Nguyễn Hùng Sơn (Đại học Varsava, Ba Lan), GS. Nguyễn Xuân Long (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ), GS. Phùng Quốc Định (Đại học Monash, Australia), TS. Bùi Hải Hưng (chuyên gia từ Hoa Kỳ, hiện đang là Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo của Vingroup) đã được mời về Việt Nam, thực hiện nghiên cứu và hỗ trợ nhóm các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Dựa trên các thành tựu mới nhất của AI, đặc biệt là khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn và học máy, các nhà khoa học đã phát triển và ứng dụng các phương pháp nhằm khai thác hiệu quả bệnh án điện tử, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho người Việt Nam, phục vụ nghiên cứu y học ở trong nước.
Hoạt động của Tiểu dự án đã được ứng dụng tại một số bệnh viện đi đầu trong áp dụng bệnh án điện tử: Bệnh viện Vân Đồn (Quảng Ninh), Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh).
Ngoài các kết quả trực tiếp liên quan đến phát triển, đề xuất ứng dụng các phương pháp học máy tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam, con người Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và nghiên cứu y học thông qua khai thác các bệnh án điện tử, các nhà khoa học còn tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền bá, phổ biến tri thức mới nhất về AI, khoa học dữ liệu và học máy thông qua tổ chức các khóa học ngắn cho cán bộ khoa học trẻ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và doanh trong nước.
Kết quả triển khai tiểu dự án cho thấy hiệu quả của việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước về AI, qua đó, góp phần lan toả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới về AI tới mọi lĩnh vực đời sống.
Vũ Hải