Việt Nam - Australia hợp tác giảm phát thải carbon hướng đến phát triển bền vững
TNNN - Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, đặc biệt là các doanh nghiệp của Việt Nam - Australia.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và đối tác Australia, mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế”.
Buổi tọa đàm do Bộ KH&CN phối hợp với Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại học Công nghệ Sydney (UTS) tổ chức có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski; lãnh đạo cấp cao của các tổ chức quản lý năng lượng Australia, cùng đại diện một số Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại tọa đàm.
Đại sứ Andrew Goledzinowski bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng “Ngày Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác phát triển KH,CN&ĐMST giữa hai nước, trong đó vấn đề giảm phát thải carbon được Chính phủ hai nước quan tâm, Đại sứ bày tỏ hy vọng thời gian tới, hai bên sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể về nghiên cứu, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển bền vững. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giảm phát thải cacbon góp phần tăng cường quan hệ đối tác cũng như hợp tác kỹ thuật về KH,CN&ĐMST giữa hai nước.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, để đạt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050, Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ và các giải pháp ĐMST để phát triển năng lượng xanh, sạch, hạ tầng bền vững nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số mang lại lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Tọa đàm.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam hiện có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như năng lượng mặt trời và gió. Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu. Việc chuyển đổi năng lượng sẽ giúp định hình lại nguồn cung và cầu cũng như cấu trúc nền kinh tế để phù hợp với thực tế. Việt Nam cần nguồn năng lượng tái tạo mới như năng lượng mặt trời, gió. Cùng với đó cần chấm dứt lãng phí năng lượng, thông qua kiểm soát thường xuyên, áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới, loại bỏ dần các công nghệ lỗi thời.
Song song với hợp tác kinh tế và đầu tư có chiều sâu, Chính phủ hai nước dành sự quan tâm, ưu tiên cho những hợp tác về cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Hai nước đã ký các thỏa thuận giúp Việt Nam loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy hợp tác thương mại ở cấp Bộ trưởng.
Trên quan điểm đó, các đại biểu đã cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức, yêu cầu, hiện trạng thực tế trong nỗ lực giảm thiểu carbon và an ninh năng lượng. Đồng thời, hướng tới mục tiêu tăng cường hoạt động hợp tác trong hệ sinh thái đổi mới trong tương lai giữa các nhà khoa học và tổ chức của hai nước.
Nội dung được các diễn giả trình bày bao gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Kinh nghiệm của Australia khi thị trường năng lượng Australia tạm ngưng vào tháng 6/2022; Chương trình quốc gia về năng suất và hiệu quả năng lượng Việt Nam; Hiệu quả năng lượng - cách tiếp cận hiệu quả về chi phí và dễ thực hiện để khử carbon và an ninh năng lượng; Khí mê - tan sinh học là nguồn khí tái tạo chính vào năm 2050: lộ trình của Australia và các quốc gia khác; Rapido để chuyển giao công nghệ và đổi mới để hỗ trợ quá trình khử carbon…
Chương trình tọa đàm lần này góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế cũng như sự cộng hưởng Chương trình hợp tác ĐMST giữa hai nước; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước nói chung và giữa các trường đại học như UTS với các trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thiết lập mối quan hệ đối tác về ĐMST./.
TNNN