VinaLAB tăng cường hỗ trợ Hội viên về công tác chuyên môn
TNNN - Năm 2021, VinaLAB tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ Hội viên trong các lĩnh vực: thử nghiệm thành thạo, tư vấn, đào tạo, phổ biến kiến thức…
- VinaLAB thảo luận trực tuyến với diễn giả các nước tại Diễn đàn Kỹ thuật châu Á JASIS 2020
- VinaLAB tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2021
- VinaLAB tổ chức hội thảo “Thách thức và cơ hội đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp”
Chủ tịch VinaLAB – TS. Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2021, diễn ra mới đây tại Hà Nội, Chủ tịch VinaLAB – TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, năm 2020, Hội viên Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do phải giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh covid-19.
Bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh covid-19 có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nên các Hội viên phải xác định và định hướng cho hoạt động của Hội cũng như từng hoạt động cụ thể, để làm sao hoạt động của Hội và của Hội viên trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của hoạt động đánh giá sự phù hợp, hoạt động thử nghiệm.
Trên quan điểm đó, PGS.TS Đỗ Quang Huy – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VinaLAB cũng khẳng định rằng, đại dịch covid-19 bùng phát làm trì hoãn rất nhiều hoạt động trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội. Trước bối cảnh này, Ban Chấp hành đã cố gắng nhằm tạo dựng nền tảng công việc cho năm 2021 được thuận lợi, phát triển.
Theo đó, ngay sau thành công Đại hội IV, nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Thường vụ Hội đã họp để phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch và các đồng chí trong Ban Thường vụ; Đồng thời, thống nhất thành lập 3 Ban gồm: Ban Thử nghiệm thành thạo; Ban Đào tạo và Tư vấn; Ban Phát triển Hội viên, Sự kiện và Truyền thông. Các ban này lần lượt do PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, PGS.TS. Đỗ Quang Huy và đồng chí Hoàng Anh Tuấn làm Trưởng ban.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Đỗ Quang Huy báo cáo tại hội nghị.
Cũng theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Đỗ Quang Huy, VinaLAB hiện có gần 80 Hội viên, tăng 30% so với đầu quý II năm 2018 (60 hội viên). Đặc biệt, sau thành công Đại hội VinaLAB nhiệm kỳ IV, danh tiếng của Hội đã lan tỏa trên toàn quốc, thu hút nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký gia nhập, tiêu biểu như GS.TS Nguyễn Văn Nội, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, đại diện cho Hội Khoa học và Công nghệ Hóa học Việt Nam (Hội Hóa học).
“Sự gắn kết giữa các Hội viên với đơn vị Hội viên, giữa Hôi viên với đơn vị Hội viên tiềm năng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của VinaLAB cũng như của Hội viên trong thời gian tới”. PGS. TS Đỗ Quang Huy chia sẻ và nhấn mạnh rằng, “Để đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của VinaLAB, Ban Chấp hành biểu dương sự ủng hộ của các đơn vị Hội viên giàu tiềm năng: Công ty thiết bị Sài Gòn, Công ty xăng dầu khu vực II TNHH một thành viên, Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, Công ty cổ phần chứng nhận và giám định VinaCert,…”.
Với mong muốn hỗ trợ các hội viên về mặt chuyên môn, PGS. TS Đỗ Quang Huy cũng cho biết, năm 2020, với sự phối hợp của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, VinaAB đã triển khai nhiều đợt cung cấp các chương trình thử nghiệm thành thạo. Tuy nhiên, số phòng thử nghiệm của hội viên tham gia còn ít.
“Chúng tôi đã hội đàm với một số đơn vị hội viên và nhận thấy nhu cầu đào tạo về thử nghiệm, sự đáp ứng của các đơn vị về nhu cầu này thì có nhưng vấn đề đặt ra là, tại nhiều phòng thử nghiệm của Hội viên, số người có thể thực hiện tự đào tạo còn rất hạn chế, do đó, chưa thể nâng cấp lên một mức mới và chưa thể tự nghiên cứu ra các phương pháp thử nghiệm mới. Giải quyết vấn đề này chính là một trong những định hướng của Hội VinaLAB trong thời gian tới”, ông Đỗ Quang Huy chia sẻ.
PGS. TS Đỗ Quang Huy cho biết thêm, Ban Chấp hành nhận thấy nhu cầu của Hội viên về đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng các phương pháp thử nghiệm mới, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như nhu cầu chất chuẩn, chủng chuẩn, tham gia các khóa đào tạo, chương trình thử nghiệm thành thạo với giá ưu đãi là khá lớn. Để giúp các phòng thử nghiệm nâng cao năng lực của mình, trong thời gian tới, hoạt động hỗ trợ hội viên của Hội có thể sẽ chuyển từ dịch vụ đại trà sang hình thức “bảo trợ chuyên môn sâu”. “Điều này sẽ tạo ra sân chơi bổ ích cho các nhà khoa học thuộc các tổ chức hoặc cá nhân hội viên có mong muốn, có khát vọng tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn để có thể tham gia hoặc trực tiếp xử lý các tình huống thực tế nảy sinh trong hoạt động thử nghiệm của đơn vị”.
Quang cảnh hội nghị toàn thể hội viên năm 2021 do VinaLAB tổ chức.
Người tham gia bảo trợ chuyên môn là các chuyên gia đầu ngành, giúp người được bảo trợ nắm vững quy trình giải quyết vấn đề, chuyển hóa được kiến thức tư duy sang thực tế, tìm được sự gắn kết giữa học – hành – nghề – nghiệp. Giúp các nhà khoa học áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế công việc; đồng thời, khi gặp những khó khăn còn có thể trực tiếp xử lý, giúp người học nhận ra những khoảng trống kiến thức. Lấp đầy khoảng trống kiến thức đó chính là việc hoàn thiện mình, đưa ra các giải pháp tốt để thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan giao cho, đảm bảo kết quả đạt yêu cầu của các phòng thử nghiệm.
“Hiện tại, Hội VinaLAB đang thảo luận với hai đơn vị Hội viên để thực hiện bảo trợ chuyên môn sâu, và thảo luận với một Hội viên về khả năng xây dựng phòng thí nghiệm tham chiếu”. PGS. TS Đỗ Quang Huy cho biết và bày tỏ hy vọng rằng, “Các phòng thử nghiệm là Hội viên của Hội phải xác định trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện để hoạt động bảo trợ chuyên môn của Hội được phát triển, đáp ứng lợi ích chung của các bên. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác với Hội để triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu cũng như sẵn sàng tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế”.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, cùng với bảo trợ chuyên môn cho 02 đơn vị hội viên, Hội VinaLAB còn bảo trợ tối thiểu 05 chương trình đào tạo, tư vấn về hệ thống quản lý, chuyên gia và các phương pháp thử; Chủ trì xây dựng ít nhất 02 tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp thử; Phối hợp với các đơn vị trong nước tổ chức 05 chương trình thử nghiệm thành thạo.
Đồng thời, Hội cũng sẽ phối hợp với cơ quan quản lý để lựa chọn 02 đơn vị phòng thí nghiệm tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để bảo trợ thực hiện đào tạo kỹ năng thực nghiệm cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ đánh giá tham chiếu, so sánh liên phòng.
Hiện tại, Hội VinaLAB đang tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên môn sâu, xây dựng các mô hình phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ các phòng thử nghiệm và phục vụ đánh giá tham chiếu, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực an toàn thực phẩm, môi trường, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xăng dầu.
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ thực hiện bảo trợ cho đơn vị Hội viên là đầu mối dịch vụ cung cấp chất chuẩn, mẫu chuẩn phục vụ các chương trình đào tạo, xây dựng phương pháp thử nghiệm và thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng, đánh giá hợp quy, hợp chuẩn; Xây dựng quy chế Bảo trợ chuyên môn, quy chế đánh giá giảng viên và quy định cấp giấy chứng nhận đào tạo đạt chuẩn cho người học.
Đình Lâm