VinaLAB thảo luận trực tuyến với diễn giả các nước tại Diễn đàn Kỹ thuật châu Á JASIS 2020
TNNN – Phiên thảo luận có sự tham gia của đại diện các nước: Việt Nam, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia…
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh: Vũ Hải
Tiếp theo Hội thảo online ngày 16/12/2020 với chủ đề An toàn thực phẩm, TS. Trần Quang Minh – Hội viên Hội VinaLAB cùng các diễn giả, thính giả đến từ các nước: Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… đã cùng nhau thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến ô nhiễm thực phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm; kim loại nặng trong thực phẩm; công cụ phân tích và kỳ vọng với JAIMA,…
Tại phiên thảo luận giữa các diễn giả và thính giả của VinaLAB gồm PGS.TS. Đỗ Quang Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông; Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Chánh Văn phòng; TS. Trần Quang Minh, diễn giả, đã cùng thảo luận với 10 đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất dụng cụ phân tích Nhật Bản; diễn giả và thính giả các nước tham gia.
Sau lời chào mừng của Mr. Yoshikaru Matsuura – Giám đốc điều hành, PGS. TS. Đỗ Quang Huy gửi lời chào đến đơn vị tổ chức và diễn giả các nước. Ảnh: Vũ Hải
Trong phần 2 của phiên thảo luận các thành viên đã cùng nhau trao đổi các vấn đề xoay quanh 04 bài thuyết trình của các diễn giả liên quan đến vấn đề ô nhiễm thực phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm; thảo luận một số vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu fipronil phenylpyrazole - một hoạt chất diệt côn trùng sử dụng rộng rãi thuộc họ hóa chất phenylpyrazole nhằm kiểm soát mối, bọ cánh cứng, gián, bọ chét, ve, kiến, bọ trĩ, giun, mọt và các côn trùng khác;…
Ngoài ra, vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận còn bao gồm những nội dung liên quan đến kim loại nặng trong thực phẩm, vì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ở nồng độ cao, các kim loại nặng như chì, cadmium, asen và thủy ngân có thể tạo phức mãn tính với protein và tích tụ cho đến khi chúng vượt quá ngưỡng độc tính. Do đó, sự tích tụ lâu dài của kim loại nặng này có thể gây ra nhiều bệnh nặng như ung thư và các bệnh thần kinh. Nồng độ kim loại nặng trong thực phẩm ngày càng tăng là do ô nhiễm qua quá trình trồng rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, môi trường giết mổ hoặc từ quá trình đóng gói và sản xuất khác.
Phiên thảo luận còn tập trung làm rõ câu hỏi của các thành viên JAIMA gửi đến các diễn giả cũng như câu hỏi từ giảng viên về các công cụ phân tích và kỳ vọng đối với JAIMA.
Vũ Hải