Theo dòng sự kiện

Bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên lợn bản địa của Việt Nam

29/03/2020, 22:34

TNNN – Có đến 26 giống lợn bản địa, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nguồn gen lợn bản địa đa dạng và phong phú.


"Trước hiện trạng một số giống lợn bản địa của nước ta đã bị tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng, ngành chăn nuôi đang tìm cách bảo tồn, nhân giống để phát triển kinh tế. Với thuận lợi có đến 26 giống lợn bản địa, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nguồn gen lợn bản địa đa dạng và phong phú".
 TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết.

Theo TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi loại giống đều có những đặc tính, đặc điểm di truyền riêng và không thể khôi phục lại được một khi bị mất đi. Nhận thức được điều này, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau thực hiện dự án “Thành lập hệ thống ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học”.

Trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh của lợn lây lan ở châu Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, điển hình như bệnh dịch tả lợn châu Phi gần đây, việc bảo tồn các giống lợn bản địa trên quan điểm đa dạng sinh học là một nhiệm vụ cấp bách và là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành nông nghiệp cũng như của Chính phủ Việt Nam. Điều đó bao gồm cả việc ưu tiên phát triển các biện pháp bền vững để cải thiện sinh kế của hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

Trước xu hướng phát triển giống lợn lai do giá trị kinh tế cao, các giống lợn bản địa của nước ta đang có nguy cơ biến mất, số lượng nuôi ngày càng ít. Một số giống lợn bản địa đã được đưa vào danh mục “Nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn của Việt Nam” như: lợn ỉ, lợn mán, lợn Táp Ná, Vân Pa, Móng Cái.

Để bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên lợn bản địa của Việt Nam, đầu tháng 5/2015, dự án Satreps (viết tắt của Chương trình Hợp tác nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) đồng tài trợ đã được khởi động.

Sau 5 năm thực hiện, dự án Satreps đã thành lập được một hệ thống bảo tồn nhằm nhận diện, đánh giá và sử dụng giống lợn bản địa Việt Nam, từ đó đóng góp hiệu quả cho việc bảo tồn và sử dụng các giống lợn này, góp phần phát triển bền vững các vùng và các hộ chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó, dự án cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý và cá nhân quan tâm có thể chia sẻ thông tin, xây dựng hợp tác để thực hiện dự án thành công, hướng đến bảo tồn và phát triển các giống lợn bản địa Việt Nam.

Là đơn vị trực tiếp tham gia dự án, Viện Chăn nuôi, Viện Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Nông nghiệp Nhật Bản, Trường Đại học Tokushima, Viện Thú y quốc gia, Viện Khoa học Chăn nuôi và đồng cỏ, Công ty thức ăn chăn nuôi Itochu (Nhật Bản) để tiến hành khảo sát, thực hiện các hợp phần dự án, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm “Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ Đa dạng sinh học”.

Theo GS. Kazuhiro Kikuchi, cố vấn trưởng của dự án, sau 5 năm triển khai, dự án Satreps đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khảo sát lợn bản địa Việt Nam tại 22 tỉnh và thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các nhận dạng, phân loại, đặc tính. Dự án cũng đã thực hiện bảo quản lạnh tinh trùng của các giống được chọn và thiết lập một hệ thống ngân hàng tinh trùng đông lạnh.

Đồng thời, các hợp phần của dự án cũng thực hiện nhiều nghiên cứu để sản xuất phôi trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển nhân tế bào soma, và cấy chuyển phôi và hợp tử.

Điều đó thể hiện ở các báo cáo:

1. Kết quả thu thập mẫu sinh học các giống lợn bản địa Việt Nam;

2. Phân tích mối quan hệ di truyền của hai giống lợn bản địa Việt Nam dựa trên 20 chỉ thị microsatellite.

3. Sàng lọc và đo lường số lượng bản sao của gen Perv trên lợn bản địa Việt Nam, tiến hành sinh sản và nhân giống để giảm số lượng Ferv trong các thế hệ tiếp theo.

4. Xây dựng phương pháp và thực hiện huấn luyện khai thác, đông lạnh, bảo tồn tinh trùng và tế bào tinh cho lợn bản địa Việt Nam.

5. Tạo phôi in vitro (2.1) đông lạnh trứng và phôi (2.2) nhân bản vô tính (2.3) Cấy truyền phôi (2.4) phục vụ ngân hàng gen các giống lợn bản địa Việt Nam.

6. Tình hình dịch bệnh trên đàn lợn bản địa Việt Nam.

7. Tăng cường hiệu quả chăn nuôi và sinh sản.

Cũng theo GS. Kazuhiro Kikuchi, dự án đã phát triển được các công nghệ cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cải thiện việc nuôi và quản lý chăn nuôi để phổ biến cho người chăn nuôi lợn bản địa ở tỉnh Hòa Bình, qua đó, góp phần tăng năng suất của chăn nuôi lợn bản địa.

Cụ thể, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, tỉnh Hòa Bình thành lập mô hình với sự tham gia của 15 hộ chăn nuôi ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia Nhật Bản, dự án đã triển khai các hoạt động nhằm cải thiện phương pháp dinh dưỡng, chăn nuôi và môi trường, giới thiệu và sử dụng thẻ ghi chép cho lợn nái.

Kết quả của mô hình cho thấy, khoảng cách giữa thời gian đẻ trung bình của lợn nái đã giảm xuống dưới hai tháng; số lần đẻ hàng năm tăng từ 1,6 đến 2,13 lần; số lợn con cai sữa của 1 nái/năm tăng từ 10,33 lên 14,45.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đã mở rộng nguồn vốn đối ứng để phát triển mô hình với sự tham gia 75 hộ chăn nuôi tại 5 xã của huyện Đà Bắc nhằm tăng năng suất của lợn bản địa Việt Nam. Thông qua việc phân tích các thẻ ghi chép lợn nái được duy trì bởi các hộ tham gia mô hình, Ban quản lý dự án đã khen thưởng 06 hộ mô hình thực hiện tốt nhất (mỗi xã một hộ).

Hợp phần Bảo quản đông lạnh tinh trùng lợn đực bản địa của dự án được bắt đầu từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019 và đã hoàn thành với 7.121 cọng rạ được lấy từ 30 con lợn đực trên địa bàn 6 tỉnh (Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình và Bình Thuận), được lưu trữ trong hệ thống ngân hàng gene của Viện Chăn nuôi.

GS. Kazuhiro Kikuchi cho rằng, lợn bản địa Việt Nam chịu được điều kiện chăn nuôi kém nhưng thịt thì lại rất ngon. Điều này rất quan trọng về mặt thực phẩm, vì nó làm tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt lợn bản địa.

Bên cạnh đó, nhiều giống lợn bản địa của Việt Nam có kích thước nhỏ (trọng lượng chỉ 40 - 50kg). Nghĩa là chúng có thể được dùng phục vụ mục đích y học và tạo ra nhu cầu tiềm năng thương mại trong tương lai.

Cũng theo GS. Kazuhiro Kikuchi, dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát vào đầu năm 2019 với diễn biến phức tạp khiến những người thực hiện dự án phải rất nỗ lực trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đối phó với nguy cơ lây lan và truyền nhiễm đến các giống lợn bản địa.

Tuy một số hoạt động theo kế hoạch của dự án tại một số hợp phần đã phải hủy bỏ, nhưng các hoạt động chăn nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi Thái Nguyên không bị ảnh hưởng do có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát. Điều này cho thấy, có thể ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi nếu thực hiện các biện pháp sinh học kịp thời và hiệu quả.

Với quan điểm đó, GS. Kazuhiro Kikuchi cho rằng, trước sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, thông điệp về bảo tồn nguồn gien trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, vì một khi nguồn gien bị mất đi sẽ không có cách nào phục hồi được. Mặt khác, thông qua dự án này, đã mở ra triển vọng trong việc tìm thấy những giống lợn bản địa có tính kháng bệnh cao, bổ sung vào nguồn tài nguyên di truyền phong phú của Việt Nam. Việc tiếp tục khảo sát và nghiên cứu sau khi dự án kết thúc vào tháng 5/2020 là cần thiết.

ĐÌNH LÂM

Bình luận