Coronavirus lây qua các sol khí ?
TNNN - Một nghiên cứu mới về coronavirus lây qua các sol khí lơ lửng khiến nhiều người hoang mang vì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất lớn. Ý kiến của các chuyên gia y tế về vấn đề này như thế nào?
- Chương trình VPT.2.5.20.190 - Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo
- Chương trình VPT.2.5.20.32, 33, 293-296 - Kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
Từ lâu, WHO cho biết loại coronavirus mới lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ bắn ra từ miệng, mũi ở khoảng cách gần và tồn tại trong một thời gian ngắn trong không khí. Nhưng một số nghiên cứu mới đây lại ngày càng cho thấy bằng chứng mới về việc virus cũng có thể lây truyền qua những giọt nhỏ hơn gọi là sol khí.
Aerosol hay sol khí là gì?
Trong khi các giọt lớn rơi xuống giống như đường đạn, các nhà khoa học định nghĩa aerosol là các hạt chất lỏng rất nhỏ bay lơ lửng trong không khí. WHO và một số nhà khoa học nói rằng sol khí có kích thước nhỏ hơn 5-10 um.
Tuy nhiên, những nhà khoa học tin về khả năng lây nhiễm qua đường sol khí lại cho rằng sự phân chia kích thước này là không có cơ sở. Ví dụ, một giọt chất lỏng có đường kính 5 um thực sự có thể lơ lửng trong khoảng nửa giờ. Lidia Morawska, một nhà vật lý học aerosol tại Đại học Công nghệ Queensland ở Úc, cho biết: “Thiên nhiên không tạo ra điểm giới hạn”. Một cơn hắt hơi dữ dội có thể tạo ra một “đám mây bọt” tốc độ cao lan xa tới hơn 8 mét, với các giọt ở mọi kích cỡ. Khoảng cách di chuyển phụ thuộc vào độ ẩm, dòng dao động, nhiệt độ và tĩnh điện. Sự khác biệt về những tác nhân trên có thể giúp giải thích tại sao phấn hoa có thể đi hàng dặm mặc dù kích thước lớn hơn nhiều so với sol khí khi hắt hơi.
Đối với nhân viên y tế, việc hiểu về lây truyền qua sol khí sẽ giúp họ tăng cường các biện pháp phòng ngừa bổ sung, chẳng hạn như đặt bệnh nhân trong các phòng có hệ thống thông gió đặc biệt và yêu cầu nhân viên y tế đeo khẩu trang N95 thay vì dùng khẩu trang phẫu thuật - vốn cũng được sử dụng ở nhiều bệnh viện. Theo một nghiên cứu về khẩu trang được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ thực hiện: Sử dụng khẩu trang phẫu thuật có thể cho phép từ 1% đến 76% các hạt nhỏ đi qua bất cứ vị trí nào. (Lưu ý: Khẩu trang bằng vải cũng rất hiệu quả. Một nghiên cứu gần đây trên một nhóm người nhỏ cho thấy: Mức độ bảo vệ của khẩu trang vải gần như bằng với N95).
Các phương pháp y tế phổ biến được sử dụng với bệnh nhân Covid-19, chẳng hạn như thở máy, cũng được biết là tạo ra nồng độ sol khí nguy hiểm cao hơn so với ho hay nói. Nhưng nếu coronavirus thoát ra bên ngoài môi trường bệnh viện nhiều như vậy thì khẩu trang vải và khẩu trang phẫu thuật có thể không bảo vệ đầy đủ khi mọi người ở gần nhau trong một thời gian dài.
Tuy vậy, khi các thông tin về khả năng virus có thể lây qua các sol khí có thể sẽ gây ra nỗi sợ hãi. “Nếu bạn nói đây là một loại virus lây truyền qua đường sol khí thì mọi người sẽ hiểu là “Chà, nếu tôi chỉ đơn giản là đi ngang qua một người đang thở trên đường, tôi sẽ bị ốm”. Michael Klompas, một nhà dịch tễ học bệnh viện tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston. “Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp không chính xác và đáng sợ quá mức.”
Chống lại coronavirus trong sol khí như thế nào?
Một câu hỏi lớn đối với coronavirus trong không khí là: Liệu thời gian dài trong các phòng trao đổi khí kém có làm cho nồng độ sol khí tăng lên hay không, đối với trong môi trường mở thì sao? Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Mailman của Columbia, cho biết rằng: “Nó tương tự như việc thêm giọt màu vào bể cá so với đại dương. Chỉ cần một vài giọt thôi, nó sẽ phân tán trong cả hai môi trường. Nhưng nếu tiếp tục thêm thuốc nhuộm, cuối cùng chỉ có bể cá sẽ chuyển màu”.
Kiểu lây nhiễm này đã xảy ra: Trong một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc, những người ngồi ở ba bàn lân cận đã bị bệnh vì Covid-19. Các bản ghi video cho thấy không ai trong số những người này tiếp xúc trực tiếp với nhau và các bản dựng lại kết luận rằng máy điều hòa không khí treo tường có thể làm tăng khả năng lây truyền virus qua không khí.
Hay một bằng chứng khác 24 trong số 67 tín đồ Phật giáo tại Trung Quốc bị nhiễm coronavirus khi đi trên xe buýt kín với một đồng nghiệp bị bệnh. Đây là một tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều so với những người đi trên các phương tiện khác đến sự kiện: Chỉ có một hành khách ngồi gần cửa sổ hoặc cửa ra vào xe buýt bị nhiễm bệnh cho thấy hệ thống thông gió có tác dụng bảo vệ như thế nào.
Nhưng trong tất cả các nghiên cứu điển hình này, việc vận chuyển sol khí không được phát hiện ở khoảng cách xa - một trong những điều kiện cổ điển cho việc truyền qua đường không khí. Ví dụ, bệnh thủy đậu được cho là lây lan xuống dọc các hành lang dài hoặc qua cửa sổ của các phòng liền kề. Trong khi bệnh sởi có thể lây nhiễm sang người trong hai giờ, sau khi người mắc bệnh ra khỏi căn phòng đó.
Vậy nếu coronavirus lây nhiễm trong không khí, tại sao nó không hoạt động giống như bệnh thủy đậu hoặc bệnh sởi? So với hầu hết các bệnh đường hô hấp khác, bệnh sởi được cho là cần nồng độ virus rất thấp là đủ để lan truyền bệnh cho người mới, và những người mắc bệnh sởi có khả năng phát tán rất nhiều virus.
Mặt khác, một người phải hít coronavirus SARS-CoV-2 ở nồng độ cao hơn nhiều so với bệnh sởi mới nhiễm bệnh. Một nghiên cứu mô hình được công bố vào ngày 27/7 báo cáo rằng một số người có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình sẽ tạo ra một lượng virus đủ cao, có thể gây nguy cơ lây nhiễm trong các điều kiện môi trường kín. Nguy cơ này tăng lên khi ho.
Rasmussen cho biết bằng chứng được trình bày trong các nghiên cứu liên quan cho thấy: một số người mắc phải coronavirus mà không “nhận trực tiếp” các giọt bắn đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. “Nhưng số lượng các hạt chứa vi rút trong không khí vượt quá ngưỡng là bao nhiêu, khiến bạn dễ dàng bị mắc bệnh?” Rasmussen hỏi. “Đó thực sự là một câu hỏi chưa thể được giải đáp.”
Cũng không rõ coronavirus tồn tại trong không khí bao lâu. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy ít nhất ba giờ, nhưng WHO lưu ý rằng những sol khí này được tạo ra một cách nhân tạo và không đúng với những cơn ho tự nhiên của con người. Virus truyền nhiễm đã được nuôi cấy thành công từ các mẫu không khí được thu thập cách xa bệnh nhân mắc Covid-19 tới gần 5 mét tại Bệnh viện Y tế Shands của Đại học Florida, nhưng công trình này vẫn chưa được bình duyệt xong.
Trên thực tế, ngay cả đối với các căn bệnh đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ như cúm thì chúng ta vẫn không biết mức độ lây truyền qua sol khí hay khi chạm vào các vật bị nhiễm virus là như thế nào.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Corona lây giữa những người tiếp xúc gần nhau. Cho dù điều đó xảy ra do sol khí, giọt bắn hay sự kết hợp nào đó, hầu hết các khuyến nghị vẫn giữ nguyên: Tránh tụ tập đông người và trò chuyện trực tiếp, ngay cả khi đeo khẩu trang.
Nguồn: Khoa học & Phát triển