Theo dòng sự kiện

Kháng kháng sinh ở châu Á: Một đại dịch thầm lặng

27/07/2021, 09:44

TNNN - Ước tính, từ năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới chết vì kháng kháng sinh mỗi năm, trong đó báo động nhất là châu Á – chiếm khoảng một nửa con số này.

Vào năm 2015, một cuộc khảo sát về tình trạng kháng kháng sinh của học sinh Trung Quốc cho thấy một con số gây sốc khi 58,3% trong số 1064 mẫu nước tiểu được xét nghiệm dương tính với kháng sinh, môi trường và thực phẩm bị ô nhiễm có thể là nguồn phơi nhiễm chính cho các em.
 
 
Nguồn thực phẩm không an toàn là một nguyên nhân dẫn tới kháng kháng sinh ở châu Á.
Nguồn ảnh: Getty.
 
Đây không phải câu chuyện chỉ có ở riêng Trung Quốc mà hàng loạt các quốc gia châu Á khác đều có những con số đáng báo động về tình trạng kháng kháng sinh. Ở Ấn Độ, hơn 56.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do nhiễm trùng huyết từ các vi khuẩn kháng kháng sinh phổ biến.
 
Cùng khoảng thời gian này, một công bố từ dữ liệu khảo sát của Mạng lưới Giám sát Tác nhân Kháng thuốc châu Á (ANSORP) về viêm phổi mắc phải tại bệnh viện đăng trên tạp chí Infect Chemother cho thấy tỷ lệ kháng imipenem – một loại kháng sinh phổ rộng đang dùng phổ biến, rất cao - ở mức trung bình là 67,3%; tỷ lệ này đặc biệt cao ở Malaysia (86,7%), Thái Lan (81,4%), Ấn Độ (85,7%) và Trung Quốc (58,9%); tình trạng kháng với kháng sinh phổ rộng khác là erythromycin cũng rất phổ biến trong khu vực (72,7%); tỷ lệ này cao nhất là ở Trung Quốc (96,4%), Đài Loan - Trung Quốc (84,9%) sau đó tới Việt Nam (80,7%). Tình trạng kháng đa kháng sinh cũng ở mức 59,3% số chủng phân lập từ các nước châu Á trong nghiên cứu.
 
Không phải bây giờ các quốc gia châu Á mới đối diện với tình trạng này, mà từ hai thập niên trở lại đây giới nghiên cứu khoa học đã cảnh báo nhiều lần. Từ năm 2006, một khảo sát tại một bệnh viện ở Thái Lan đã cho thấy gần 69% vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, tác nhân gây bệnh phổi phổ biến nhất ở trẻ em và người lớn tại châu Á phân lập được ở đây đều đã kháng lại kháng sinh phổ biến trong điều trị là penicillin, hơn 50% chủng vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus gây nhiều loại bệnh trong cộng đồng và trong bệnh viện phân lập được trong bệnh viện cũng đã kháng methicillin.
 
Những căn bệnh rất khó chữa như lao kháng đa thuốc cũng “khu trú” ở Đông Nam Á và Nam Á – với ước tính có khoảng gần 200 nghìn trường hợp mắc lao đa kháng thuốc xảy ra hằng năm tại khu vực này với hơn 80% trong số này là tại Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và Thái Lan. Các loại thuốc cần thiết để điều trị lao đa kháng thuốc đắt hơn 100 lần so với các loại thuốc sử dụng để điều trị các dạng không kháng thuốc.
 
Tình trạng kháng kháng sinh nặng nề càng dẫn đến việc các nước ngày càng tiếp tục tăng cường sử dụng thuốc kháng sinh, lún sâu vào vũng lầy kháng kháng sinh. Điển hình là Trung Quốc, đã tăng mức tiêu thụ kháng sinh tới 79% từ năm 2000 đến năm 2015, cao hơn mức tăng tiêu thụ thuốc kháng sinh toàn cầu, là 65% trong cùng thời gian tương ứng.
 
Tỷ lệ tăng tiêu thụ kháng sinh trên 1.000 dân mỗi ngày tại Trung Quốc là 65%, cũng tăng nhanh hơn so với toàn cầu (39%). Điều này lại tiếp tục gây ra vòng xoáy làm tăng sự đề kháng của vi khuẩn, làm hỏng chức năng miễn dịch, và tạo ra các phản ứng có hại khác của thuốc.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng không có loại kháng sinh nào đang được phát triển nhằm chống lại tình trạng kháng thuốc hiện nay là đủ để giải quyết vi khuẩn kháng thuốc. Trong một báo cáo mới được công bố hồi đầu năm, WHO cho biết không có loại thuốc nào trong số 43 loại thuốc đang được phát triển có thể đối phó được với 13 loại siêu vi khuẩn nguy hiểm nhất mà WHO đã xác định được.
 
Thực ra trước đây trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng kháng sinh, thế giới đã từng theo kịp khả năng kháng thuốc của vi sinh vật bằng cách khám phá và phát triển các kháng sinh mới. Nhưng ngày nay tương lai của việc điều trị y tế sẽ đen tối hơn vì các nghiên cứu của con người không theo kịp với sự tiến hóa của vi khuẩn và chúng ta đang phải đối mặt với những bệnh nhiễm trùng mà chúng ta không có phương pháp điều trị đặc hiệu.
 
Phần lớn chính phủ hoặc các công ty ở các nước châu Á sẽ không đủ tiền để đầu tư, theo đuổi việc nghiên cứu phát triển các kháng sinh mới. Vì phải tốn ít nhất một tỷ USD mới đủ để phát triển một loại thuốc mới, thử nghiệm đi đến bước có thể cung cấp cho bệnh nhân. Chỉ các chính phủ và các tổ chức từ thiện y sinh học lớn nhất, chẳng hạn như Quỹ Bill và Melinda Gates và Quỹ Wellcome của Anh, mới có khả năng đóng góp.
 
Ngay cả việc “phát triển các loại thuốc kháng sinh mới mà không có cơ chế đảm bảo sử dụng chúng phù hợp thì cũng giống như việc cung cấp cho bệnh nhân nghiện rượu một loại rượu mạnh hơn” như nhà truyền nhiễm học Dennis Maki, Đại học Wincosin, từng nhận định.
 
 
"Đường đi" của kháng kháng sinh. Nguồn hình minh họa: Nature.
 
Châu Á khó có khả năng thoát khỏi vòng xoáy kháng kháng sinh, vì còn rất nan giải mới giải quyết tình trạng này. Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay là một phần hệ quả của nguồn thức ăn chăn nuôi chứa quá nhiều tồn dư kháng sinh và vi khuẩn kháng thuốc.
 
Trong hai mươi năm qua, lượng tiêu thụ thịt ở châu Á đã tăng lên 68% (các khu vực khác đều thấp hơn, châu Phi và Nam Mỹ lần lượt là 64% và 40%). Châu Á nuôi tới 56% tổng đàn lợn và 54% tổng đàn gà trên thế giới trong khi quy trình chăn nuôi hầu hết không đảm bảo an toàn.
 
Hai đơn cử điển hình là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Colistin là một loại kháng sinh đã từ lâu không còn được sử dụng vì tác dụng phụ hại thận nhưng cũng chính ở lợn nuôi tại Trung Quốc, người ta đã tìm thấy vi khuẩn kháng colistin và sự lan rộng của khả năng kháng colistin đối với các bệnh nhiễm trùng ở người, được báo cáo lần đầu vào năm 2015.
 
Tại Ấn Độ người ta cũng vẫn sử dụng colistin trong chăn nuôi và chỉ mới đây Chính phủ Ấn Độ mới ban hành lệnh cấm sử dụng. Việc sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng ngay cả ở những động vật khỏe mạnh là một thực tế phổ biến tại Ấn Độ, cũng như châu Á. Ấn Độ là nước tiêu thụ thuốc kháng sinh lớn thứ năm trong chăn nuôi (để dùng cho gia cầm, gia súc lớn và lợn).
 
Còn tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không kê đơn hoặc kê đơn hỗn hợp kháng sinh vô tội vạ trên khắp châu Á cũng rất đáng báo động. Bangladesh và Việt Nam có nhiều nơi có thể mua thuốc kháng sinh nhất mà không cần bất kỳ bác sĩ nào kê đơn - cứ 500 dân thì có một người bán thuốc. Tại Việt Nam, Bangladesh và Ghana, lần lượt là 57%, 45% và 36% dân số thường xuyên tự mua thuốc kháng sinh để uống.
 
Nếu tình hình không thay đổi, không có các giải pháp hiệu quả thì theo ước tính [trong báo cáo "Antimicrobial Resistance: Tackling a crisis for the health and wealth of nations"] của nhóm các nhà khoa học Anh do Jim O’Neill đứng đầu, kháng kháng sinh sẽ trở thành nguyên nhân gây chết chóc tương đương với ung thư – cũng sẽ cướp đi sinh mạng của khoảng 10 triệu người trên thế giới mỗi năm. WHO cũng từng cảnh báo chúng ta có thể sớm hướng tới kỷ nguyên “hậu kháng sinh”, khi mà chỉ một vết thương đơn giản hoặc nhiễm trùng răng miệng có thể gây tử vong.
 
Nếu tình hình không thay đổi, không có các giải pháp hiệu quả thì theo ước tính của các nhà khoa học tại Anh, sẽ có 10 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng kháng sinh, kể từ năm 2050.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận