Theo dòng sự kiện

Lấy mẫu cho phân tích, thử nghiệm

02/12/2019, 18:37

TNNN - Lấy mẫu là việc đầu tiên và rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng lô sản phẩm. Việc lấy mẫu đòi hỏi phải thực hiện thận trọng, đúng quy trình, sao cho mẫu lấy được phải phản ánh chính xác chất lượng và phải đại diện cho lô sản phẩm, hàng hóa. Lấy mẫu phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định, tiêu chuẩn nhất định đã được chấp nhận cho mỗi loại sản phẩm, hàng hóa. Nếu lấy mẫu sai thì kết quả phân tích không phản ánh đúng thực tế chất lượng.

Mục đích của việc lấy mẫu để phân tích, thử nghiệm là chọn một khối lượng nhỏ phù hợp và vừa đủ của sản phẩm, hàng hóa để làm phân tích ngay tại hiện trường hay đóng gói và vận chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích, thử nghiệm theo quy trình.

Lấy mẫu là việc đầu tiên và rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng lô sản phẩm. Việc lấy mẫu đòi hỏi phải thực hiện thận trọng, đúng quy trình, sao cho mẫu lấy được phải phản ánh chính xác chất lượng và phải đại diện cho lô sản phẩm, hàng hóa.  Lấy mẫu phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định, tiêu chuẩn nhất định đã được chấp nhận cho mỗi loại sản phẩm, hàng hóa. Nếu lấy mẫu sai thì kết quả phân tích không phản ánh đúng thực tế chất lượng. 

Trong thực tế đã có nhiều cuộc tranh cãi về chất lượng một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó. Những tranh cãi này chỉ có thể được giải quyết bằng một kết quả phân tích chính xác trên một mẫu lấy đúng phương pháp. Vì vậy, nếu lấy mẫu không đúng thì dù các phương pháp phân tích có chính xác, trang thiết bị máy móc có hiện đại thì kết quả phân tích cũng không phản ánh đúng thực chất về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa đó.

Đối với mỗi loại sản phẩm, hàng hóa khác nhau tùy thuộc vào mục đích lấy mẫu và các đặc tính riêng biệt của nó mà có các quy định cho việc lấy mẫu khác nhau. Do vậy, thật khó để xây dựng một bộ quy tắc chung được chấp nhận cho việc lấy mẫu đối với mọi sản phẩm, hàng hóa.

 Hiện nay mỗi loại sản phẩm, hàng hóa thường đã có sẵn các quy định riêng cho việc lấy mẫu. Ví dụ: TCVN 9486:2018 quy định lấy mẫu phân bón; Thông tư số: 04/2010/TT-BYT, ngày 12 tháng 02 năm 2010 hướng dẫn việc lấy mẫu thuốc để xác định chất lượng, TCVN 4325:2007 quy định về lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, vv…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập những vấn đề chung nhất trong việc lấy mẫu phục vụ cho phân tích, thử nghiệm.

Một số khái niệm chung liên quan đến phương pháp lấy mẫu đối với sản phẩm, hàng hóa như: Lô (lot); đơn vị bao gói (packaged unit); đơn vị mẫu (Sample unit); mẫu đơn hay mẫu ban đầu (Single sample); mẫu chung (bulk sample);mẫu phân tích hay mẫu phòng thí nghiệm (laboratory sample), vv… đã được quy định rõ trong các TCVN về lấy mẫu hoặc các quy định riêng trong các văn bản hướng dẫn về lấy mẫu cho các loại sản phẩm, hàng hóa. 

Các quy định chung về lấy mẫu

            Về người lấy mẫu

- Người lấy mẫu loại sản phẩm, hàng hóa phải là người được đào tạo, huấn luyện về phương pháp lấy mẫu cho loại sản phẩm hàng hóa đó. Tốt nhất là người có kiến thức về phân tích hoặc đã có kinh nghiệm lấy mẫu cho từng loại sản phẩm hàng hóa.

- Phải hiểu biết về những tai nạn rủi ro và các nguy cơ tiềm ẩn do mẫu và quá trình lấy mẫu có thể gây ra.

- Phải có giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn nghiệp vụ về lấy mẫu.

- Phải nắm vững và liên tục cập nhật các thay đổi về quy định lấy mẫu để việc lấy mẫu đúng yêu cầu.

- Khi lấy mẫu phải có sự chứng kiến của bên được lấy mẫu.

Về mẫu

- Kiểm tra sơ bộ tính đồng nhất của lô hàng đối chiếu với hồ sơ lô hàng kèm theo;

- Kiểm tra tên và đối chiếu nguồn gốc mẫu lấy để tránh lấy mẫu nhầm;

- Kiểm tra hình dạng bao gói, sự nguyên vẹn của bao gói, độ sạch sẽ và mức độ nhiễm mốc của bao bì. 

Các kết quả kiểm tra trước lấy mẫu cần ghi chép cẩn thận kể cả chụp ảnh để lưu lại.

- Vị trí lấy mẫu được xác định theo ngẫu nhiên.

- Mẫu lấy phải đại diện cho cả lô hàng.

- Quá trình lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu phải bảo đảm tránh các tác nhân như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm….  có thể ảnh hưởng đến bản chất ban đầu vốn có của mẫu. 

- Chú ý: Không làm nhiễm bẩn, nhiễm chéo mẫu trong quá trình lấy mẫu, chia mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu vì đây là các yếu tố gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích, thử nghiệm.

- Bảo đảm chất lượng ổn định của mẫu trong suốt thời gian vận chuyển, bảo quản mẫu, lưu mẫu

 Dụng cụ lấy mẫu, chia mẫu, chứa mẫu

Tùy theo đặc tính của từng loại mẫu phải có những dụng cụ lấy mẫu thích hợp. Nguyên tắc chung là dụng cụ lấy mẫu, chia mẫu và chứa mẫu phải sạch, trung tính và không làm nhiễm bẩn, nhiễm chéo cho mẫu lấy. Chất liệu chế tạo các loại dụng cụ lấy mẫu, chia mẫu và chứa mẫu không được tương tác với các thành phần của mẫu làm biến đổi tính chất lý, hóa học ban đầu của mẫu. 

Hình dáng, vật liệu chế tạo, độ lớn, độ dài của dụng cụ lấy mẫu và dụng cụ

chứa mẫu phải dựa vào các tiêu chuẩn phù hợp cho từng loại sản phẩm riêng biệt.

Lấy các mẫu dạng rắn, dạng hạt, dạng bột, phải dùng các loại ống xăm chế tạo bằng inox hoặc thép không rỉ có độ dài và độ cứng cần thiết để có thể xuyên sâu vào bao bì chứa mẫu để lấy mẫu. Cần sử dụng những dụng cụ có khả năng lấy được mẫu ban đầu từ những độ dày bất kỳ của các lớp khác nhau của lô hàng.

Đối với các mẫu lỏng, người ta dùng các dụng cụ lấy mẫu dạng pit-tông hoặc hình trụ để lấy mẫu. Trước khi lấy mẫu, phải khuấy hoặc trộn đều tạo sự đồng nhất.

Với dụng cụ chứa mẫu, người ta thường dùng các loại bao bì, túi nilon sạch hoặc chai thủy tinh trung tính.

Các loại sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng phải được chứa đựng trong các bao bì có màu để tránh ánh sáng.

Đơn vị mẫu lấy và khối lượng mẫu cần lấy tùy thuộc vào mục đích lấy mẫu và phương pháp phân tích, thử nghiệm.  Đơn vị mẫu lấy đã có quy định riêng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa và phụ thuộc vào khối lượng lô hàng. 

Nguyên tắc chung là, đơn vị mẫu lấy phải mang tính đại diện cho lô hàng, khối lượng mẫu lấy phải đủ cho 3 lần phân tích, thử nghiệm và đủ để lưu mẫu.

Phương pháp lấy mẫu

 Phương pháp lấy mẫu tùy thuộc mục đích lấy mẫu, vị trí của mẫu và tình trạng lô hàng.

 - Mẫu lấy trong một lô, thường lấy trong kho nguyên liệu, trong công-tơ-nơ, hoặc trong kho thành phẩm. Các mẫu đó cho phép xác định và đánh giá chất lượng của sản phẩm. Tùy theo các loại mặt hàng mà quy định việc lấy mẫu sao cho phù hợp, đại diện cho lô hàng

- Mẫu lấy từ dây chuyền sản xuất gồm mẫu nguyên liệu, mẫu bán thành phẩm hoặc mẫu thành phẩm. Đây là một hệ thống mẫu liên tục. Mẫu lấy từ dây chuyền sản xuất cho phép kiểm tra quy trình sản xuất có ổn định hay không, do vậy rất cần thiết cho việc chứng nhận sản phẩm hợp quy.

- Các sản phẩm bao gói được lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên. Mẫu ban đầu phải lấy từ các vị trí khác nhau của của lô hàng. Lấy mẫu từ các sản phẩm bao gói phản ánh chất lượng hàng hóa, sản phẩm đang lưu thông.

Tùy loại sản phẩm hàng hóa có các hướng dẫn và quy định riêng cho việc lấy mẫu đơn (mẫu ban đầu). Nguyên tắc chung là,mẫu đơn được lấy trong các bao bì, đồ chứa từ các vị trí ngẫu nhiên bên trong, bên ngoài, phía trên và phía dưới của lô hàng.

Tạo mẫu chung bằng cách gộp và trộn đều các mẫu đơn.

            Tạo mẫu rút gọn bằng cách chia mẫu chung thành nhiều phần. 

Tạo mẫu phòng thí nghiệm (laboratory sample) bằng cách chia mẫu rút gọn hoặc mẫu chung thành 3 phần bằng nhau, sao cho khối lượng của mỗi phần chia đủ đáp ứng cho 3 lần phân tích, thử nghiệm và đủ để lưu mẫu. 

- Một phần lưu tại cơ sở được lấy mẫu;

- Một phần lưu tại phòng thử nghiệm;

- Một phần giao phòng thí nghiệm để phân tích, thử nghiệm.

Mẫu sau khi lấy phải được bao gói bằng các bao bì thích hợp và phải được ghi nhãn với đầy đủ các thông tin để có thể truy xuất nguồn gốc nếu cần. Người lấy mẫu phải niêm phong trước sự chứng kiến của bên được lấy mẫu.

Quá trình lấy mẫu phải được lập thành biên bản. Biên bản lấy mẫu phải bao gồm những nội dung đã được quy định rõ trong phương pháp lấy mẫu đối với từng loại hàng hóa, sản phẩm. Biên bản lấy mẫu phải làm thành 2 bản, bên lấy mẫu và bên được lấy mẫu mỗi bên giữ một bản.

Khi giao mẫu cho phòng thử nghiệm hoặc cho nhà thầu phụ phải lập biên bản. Nội dung biên bản giao mẫu phải đầy đủ các thông tin cần thiết, trong đó có các thông tin về tình trạng mẫu, tình hình vận chuyển và bảo quản mẫu.

Việc kiểm soát tình trạng vận chuyển và bảo quản sau lấy mẫu rất quan trọng, vì chất lượng một số loại mẫu rất có thể sẽ bị thay đổi do tác động của nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng nhất là đối với các mẫu có nguồn gốc sinh vật, vi sinh vật.

Việc bảo quản mẫu sau khi giao nhận cũng cần đặc biệt lưu ý để tránh mất mẫu hoặc nhầm lẫn. Các mẫu có nguồn gốc sinh vật, vi sinh, thực phẩm tươi sống, các mẫu dễ bị phân hủy bởi ánh sáng cần phải bảo quản trong những điều kiện thích hợp để không gây ra những sự biến đổi về chất lượng ban đầu của mẫu.

Tuy các quy trình và phương pháp lấy mẫu đã được quy định rất chặt chẽ cho từng loại sản phẩm hàng hóa. Nhưng trong quá trình tác nghiệp của mình, người lấy mẫu thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:

- Khách hàng không hợp tác; 

- Không đủ thời gian, không đủ dụng cụ, trang thiết bị;

- Một số quy định không khả thi.

 Ngoài ra, việc một số người trong quá trình lấy mẫu đã không thực hiện đúng các quy định cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc lấy mẫu. 

Để việc lấy mẫu thực hiện đúng quy định góp phần đánh giá đúng thực trạng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó sự hợp tác của khách hàng và tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện đúng các quy định của người lấy mẫu là rất quan trọng.

Hữu Điển

 

Bình luận