Theo dòng sự kiện

Nhựa đang gây hại cho sinh vật biển, con người ra sao?

18/11/2019, 15:50

TNNN - Các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa trong 114 loài thủy sinh, và hơn một nửa số đó xuất hiện trong bữa ăn tối của chúng ta.

Bạn có biết rằng trong tôm cua cá bình thường chúng ta ăn, thường có những mẩu nhựa nhỏ mà chúng ta không biết. Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu xem điều đó có tác động gì đối với sức khỏe của con người.

Trong một phòng thí nghiệm tại Đại học Columbia ở Palisades, New York, bà Debra Lee Magadini đặt một bản kính dưới kính hiển vi và chiếu qua tia cực tím. Bà tỏ ra rất bất ngờ khi rà soát đường tiêu hóa hóa lỏng của một con tôm mua ở chợ. Sau khi kiểm tra từng milimet trên bản kính, bà buột miệng, “con tôm này chứa cả một thành phố nhựa”. Bên trong ruột của nó, bảy miếng nhựa nhuộm huỳnh quang phát sáng.

Trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu như bà Magadini đang nhìn chằm chằm qua kính hiển vi ở những mảnh sợi nhựa nhỏ, mảnh vụn hoặc vi hạt nhựa đã tìm đường vào các loài sinh vật biển và nước ngọt, trong cả hai môi trường tự nhiên và nhân tạo. Các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa trong 114 loài thủy sinh, và hơn một nửa số đó xuất hiện trong bữa ăn tối của chúng ta. Chúng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người là câu hỏi mà họ đang cố gắng phân tích và chứng minh.

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa đủ bằng chứng để chứng minh rằng, các mảnh vi nhựa nhỏ hơn 0.2 inch đang ảnh hưởng đến cá ở mức độ lớn. Theo nghiên cứu, nguồn cung thực phẩm dường như không bị đe dọa quá nhiều. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cá và động vật có vỏ mà chúng ta thưởng thức hàng ngày xuất hiện rất nhiều mảnh nhựa bên trong. Mỗi năm có từ 5 đến 14 triệu tấn nhựa chảy vào các đại dương từ các khu vực ven biển. Ánh sáng mặt trời, gió, sóng và nhiệt phân hủy vật liệu đó thành các mảnh nhỏ và bám vào sinh vật phù du, động vật hai mảnh vỏ, cá và thậm chí cả cá voi.

Các thí nghiệm cho thấy, vi hạt nhựa gây hại cho sinh vật dưới nước, cũng như các loài rùa và chim. Chúng ngăn chặn đường tiêu hóa, làm giảm sự thèm ăn và thay đổi hành vi cho ăn, tất cả đều làm giảm sự tăng trưởng và sản lượng sinh sản. Dạ dày của chúng nhồi nhựa gây cảm giác khó chịu, một số loài chết đói vì không tìm được thức ăn phù hợp.

Ngoài các tác động cơ học, vi hạt nhựa còn có tác động hóa học, bởi vì các chất ô nhiễm trôi nổi tự do rửa trôi trên đất liền và vào vùng biển như biphenyls polychlorin hóa (PCB), hydrocarbon đa vòng (PAHs) và kim loại nặng bề mặt.

Chelsea Rochman - giáo sư sinh thái học tại Đại học Toronto, đã ngâm polyetylen được sử dụng để sản xuất một số loại túi nhựa, ở Vịnh San Diego trong ba tháng. Sau đó, cô đưa ra loại nhựa bị ô nhiễm này cùng với chế độ ăn trong phòng thí nghiệm cho medakas Nhật Bản - loài cá nhỏ thường được sử dụng để nghiên cứu trong hai tháng. Những con cá ăn nhựa đã xử lý bị tổn thương gan nhiều hơn những con cá đã ăn nhựa nguyên chất. Cá có gan bị tổn thương ít có khả năng chuyển hóa thuốc, thuốc trừ sâu và các chất gây ô nhiễm khác. Một thí nghiệm khác đã chứng minh, hàu tiếp xúc với những miếng polystyrene nhỏ xíu (có chứa trong hộp đựng thức ăn) sẽ sản xuất ít trứng và ít tinh trùng hơn. Hiện nay, danh sách các sinh vật nước ngọt và sinh vật biển bị tổn hại bởi nhựa trải dài đến hàng trăm loài.

Thật khó để phân tích xem liệu vi hạt nhựa có ảnh hưởng đến con người khi ăn hải sản hay không, bởi vì bản thân chúng ta đã tiếp xúc với vật liệu này ngay từ không khí. Chúng ta hít vào và cả nước đóng chai chúng ta uống, thực phẩm chúng ta ăn và quần áo chúng ta mặc. Hơn nữa, nhựa không phải chỉ có một thứ. Nó có nhiều dạng và chứa nhiều loại chất phụ gia, chất ổn định tia cực tím, chất chống thấm nước, chất chống cháy, chất làm cứng như bisphenol A (BPA) và chất làm mềm gọi là phthalates có thể thấm vào môi trường xung quanh.

Một số hóa chất này được coi là chất gây rối loạn nội tiết. Các hóa chất này can thiệp vào chức năng hormone bình thường, thậm chí góp phần tăng cân. Chất chống cháy có thể cản trở sự phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ em. Các hợp chất khác bám vào nhựa có thể gây ung thư hoặc dị tật bẩm sinh. Một nguyên lý cơ bản của độc học cho rằng, liều thuốc nhựa này tạo ra chất độc, nhưng có nhiều chất hóa học khác ví dụ như BPA, dường như làm suy yếu chất độc ở cấp độ mà một số chính phủ coi là an toàn cho con người.

Nghiên cứu tác động của vi sinh vật biển đối với sức khỏe con người là một thách thức. Vì con người không thể ăn nhựa để làm thí nghiệm. Vì nhựa và chất phụ gia của chúng hoạt động khác nhau tùy theo bối cảnh vật lý và hóa học. Và vì đặc điểm của chúng có thể thay đổi khi các sinh vật theo chuỗi thức ăn tiêu thụ, chuyển hóa hoặc bài tiết. Chúng ta hầu như không biết gì về cách chế biến thực phẩm ảnh hưởng đến độc tính của nhựa trong sinh vật thủy sinh hoặc mức độ ô nhiễm có thể làm tổn thương chúng ta.

Tin tốt được nghiên cứu bởi các nhà khoa học là hầu hết các vi hạt nhựa dường như vẫn còn trong ruột cá và không di chuyển vào mô cơ (đó là những gì chúng ta ăn). Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc trong một báo cáo về chủ đề này đã kết luận rằng, con người có khả năng chỉ tiêu thụ một lượng không đáng kể của vi hạt nhựa, ngay cả khi người đó ăn nhiều hến và hàu. Ăn cá rất tốt cho chúng ta, nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cá chứa nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt mà không có trong các thực phẩm khác.

Điều đó nói lên rằng, các nhà khoa học vẫn lo ngại nhựa tác động đến sức khỏe con người. Bởi chúng có mặt khắp nơi và sẽ phân hủy, phân mảnh thành các chất nano, có kích thước nhỏ hơn 100 phần tỷ mét. Đáng báo động, những vi hạt nhựa này có thể xâm nhập các tế bào và di chuyển vào các mô và cơ quan sinh học. Nhưng vì các nhà nghiên cứu thiếu phương pháp phân tích để xác định chất nano trong thực phẩm, nên họ không có dữ liệu về sự xuất hiện hoặc sự hấp thụ của vi hạt nhựa trên con người.

Các quốc gia có thể ban hành lệnh cấm đối với một số loại nhựa, tập trung vào những loại dư thừa và có vấn đề. Các kỹ sư hóa học có thể tạo các polyme phân hủy sinh học. Người tiêu dùng có thể tránh sử dụng nhựa dùng một lần. Ngành công nghiệp nhựa và chính phủ có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thu giữ và tái chế các vật liệu này trước khi chúng bị cuốn xuống nước.

Trong một tầng hầm bụi bặm cách phòng thí nghiệm nơi bà Magadini làm việc một đoạn ngắn, rất nhiều kệ kim loại có các lọ chứa khoảng 10.000 con cá mumichogs (1 loài cá ở vùng Đại Tây Dương) được bảo quản trong bảy năm ở đầm lầy gần đó. Kiểm tra từng con cá để tìm sự xuất hiện của vi hạt nhựa là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng bà Magadini và các đồng nghiệp rất muốn xem mức độ phơi nhiễm đã thay đổi theo thời gian như thế nào. Vấn đề còn lại là, tìm hiểu cách thức vi hạt, sợi nhựa ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là con người chúng ta.

Hoàng Nam

(Theo National Geographic)

Bình luận