Phương pháp mới kiểm tra các kim loại độc hại trong thực phẩm và nước
TNNN - Phương pháp mới do các nhà nghiên cứu tại Đại học Johannesburg phát triển rất nhạy trong kiểm tra mức độ nguy hiểm của kim loại nặng trong một số loại thực phẩm và nước.
- Cảnh báo khẩn cấp của Mỹ về 87 sản phẩm nước rửa tay chứa chất gây hại
- Chiết xuất rong biển vượt trội hơn Remdesivir trong việc ngăn chặn virus COVID-19
Các nhà nghiên cứu cho biết có thể thử nghiệm nhiều kim loại cùng một lúc, với khả năng tự động hóa sẽ được bổ sung. Họ lưu ý rằng các thiết bị đo mà họ sử dụng luôn có sẵn trong các phòng thí nghiệm ở các nước đang phát triển.
Các kim loại dạng vết như chì (Pb), asen (As), cadmium (Cd) và thallium (Tl) là độc hại ngay cả ở nồng độ (mức độ) rất thấp. Các hợp chất hexavalent với asen, cadmium và crom cũng được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và Chương trình Độc chất Quốc gia Hoa Kỳ (NTP) công nhận là chất gây ung thư.
“Nghiên cứu cung cấp một phương pháp đơn giản, nhanh chóng và nhạy bén cho các phòng thí nghiệm có nguồn lực hạn chế. Kết quả nghiên cứu cũng có thể cải thiện chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng”, tác giả chính, Giáo sư Philiswa Nomngongo, Chủ tịch SARChI, Công nghệ nano cho Nước tại Đại học Johannesburg, cho biết.
“Nghiên cứu này đóng góp dữ liệu có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo khi thiết lập hoặc sửa đổi hướng dẫn về mức tối đa cho phép trong các loại rau thông thường và nước uống”, bà nói thêm.
“Phương pháp này thân thiện với môi trường và tuân thủ các nguyên tắc hóa học phân tích xanh. Nó không gây ra ô nhiễm thứ cấp”.
Tiến sĩ Luthando Nyaba, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích các nghiên cứu trước đây sử dụng các phương pháp tương tự, nhưng để phân tích các chất ô nhiễm hữu cơ. Ông cho biết: “Đây là lần đầu tiên chất hấp phụ gốc đất sét được kết hợp với phương pháp chiết xuất điểm đám mây để phân tích đồng thời các kim loại vi lượng trong rau quả và nước uống.
“Trong phương pháp này, chúng tôi chuyển các mẫu rau ở dạng rắn sang dạng lỏng. Điều này giúp cho việc phân tích trực tiếp dấu vết kim loại bằng một thiết bị phân tích thích hợp. Phân tích trực tiếp, đồng thời có nghĩa là có thể phân tích nhiều mẫu rau hơn cùng lúc và nhanh hơn so với trước đây”.
Phương pháp này sử dụng trích xuất điểm đám mây được hỗ trợ siêu âm và chiết pha rắn phân tán để cô đặc mẫu từ rau và nước. Sau đó, các mẫu được phân tích trực tiếp bằng phép đo phổ phát xạ quang plasma cảm ứng kết hợp.
Nomngongo lưu ý rằng, thiết bị được sử dụng cho nghiên cứu đã cũ, nhưng nếu “chúng tôi mua rau lúc 8 giờ sáng, thì vào buổi chiều chúng tôi sẽ có kết quả phân tích”.
Để xác định các kim loại vi lượng trong thực phẩm và nước, cần phải có các kỹ thuật hóa học phân tích. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng những ứng dụng này phát triển theo thời gian giống như các ứng dụng trên điện thoại di động.
“Các nhà phát triển ứng dụng điện thoại có thể sửa lỗi phần mềm mà không cần viết lại ứng dụng hoàn toàn. Họ thêm các bản sửa lỗi vào phiên bản mới và người dùng tải xuống phiên bản mới để hưởng lợi.
“Các nhà hóa học phân tích giống như các nhà phát triển phần mềm, cập nhật một phương pháp hiện có để làm cho chúng tuân thủ các nguyên tắc hóa học phân tích mới. Trong trường hợp này, một trong những mục tiêu của chúng tôi là giảm đáng kể lượng dung môi độc hại thường được sử dụng trong thử nghiệm kim loại vi lượng”, Nyaba nói thêm.
Họ cũng lưu ý rằng, việc phân tích chính xác các nguyên tố hóa học trong rau quả vốn rất phức tạp, tạo ra các quy trình chuẩn bị mẫu để sẵn sàng thử nghiệm kim loại rất lâu và tốn thời gian.
Kết quả nghiên cứu có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào nguồn nước và thực phẩm được nghiên cứu, Nomngongo cho biết: “Các kết quả cũng có thể hỗ trợ chính phủ Nam Phi và các cơ quan bảo vệ môi trường tại địa phương thiết lập, xem xét và thực thi các quy định về chất lượng nước.
Theo Newfoodmagazine