Rửa trôi xử lý đất nhiễm dioxin
TNNN - Công nghệ rửa đất xử lý dioxin đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, trả lại đất “sạch” hoàn toàn cho khu vực nhiễm dioxin với hàm lượng cao. Đất sau xử lý có thể sử dụng để canh tác và sử dụng bình thường.
- AI phát hiện người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng qua tiếng ho
- Lần đầu tiên phát hiện ra loại virus có thể tự tạo ra năng lượng
Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) vừa thông báo về kết quả thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.
Một nhà máy hoàn chỉnh để thử nghiệm công nghệ rửa đất đã được xây dựng tại Biên Hoà. Với công suất 14 tấn/giờ và thời gian làm việc 8 giờ/ngày, nhà máy xử lý được từ 120 - 150m3 đất nhiễm (tương đương với 220 - 270 tấn) trong ngày và từ 30 - 37 nghìn m3 đất nhiễm trong một năm. Nếu thời gian làm việc của nhà máy được nâng lên 16 giờ/ngày thì có thể xử lý được từ 65 - 80 nghìn m3 trong năm.
Nguyên lý cơ bản của công nghệ rửa đất này là phân tách vật lý sau khi trộn với nước. Dựa trên đặc tính các chất ô nhiễm bám vào các hạt mịn của đất, các chất ô nhiễm sẽ được loại bỏ cùng với các hạt mịn thông qua sàng lọc, phân loại, tuyển nổi bằng quá trình xoáy thủy lực, máy phân tách đất, máy chà... Công nghệ này là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt, là giải pháp thay thế mang tính chủ động vê môi trường và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều phương án làm sạch đất nhiễm dioxin khác.
Công nghệ tẩy rửa đất được sử dụng làm giảm khối lượng đất ô nhiễm bằng cách làm cô đặc các chất ô nhiễm vào khối lượng đất nhỏ hơn ban đầu. Đất có chứa chất ô nhiễm đã được cô đặc (bùn bánh) cần phải được xử lý bằng phương pháp làm sạch thứ cấp. Đốt là phương pháp hiệu quả, đáng tin cậy nhất để phá hủy các chất ô nhiễm khó phân hủy như dioxin…
Theo TS Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc chuyên trách Trung tâm hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường, toàn bộ thử nghiệm bằng công nghệ rửa đất đã tiến hành với 900m3 đất nhiễm, kết quả xử lý rất khả quan, lượng đất sau xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành của Bộ TN&MT quy định, sau đó chúng tôi thử nghiệm với 70 tấn đất nhiễm dioxin bằng công nghệ nhiệt. 200kg đất nhiễm bằng công nghệ lò quay.... thì đất sau xử lý đạt tiêu chuẩn đã đề ra với tiêu chuẩn khắt khe nhất, dưới 40ppt quy chuẩn đất trồng cây hằng năm.
Theo khảo sát của Shimizu, Việt Nam có 28 khu vực bị nhiễm chất độc dioxin, trong đó có các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát. Trong đó, sân bay Biên Hòa là khu vực có lượng đất nhiễm dioxin lớn nhất, khoảng 850.000 tấn. Theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra, từ nay đến 2030 sẽ làm sạch các vùng đất ô nhiễm trên toàn quốc.
Nguồn: Khoa học & Đời sống