Thuốc trừ sâu đang làm suy giảm quần thể các loài ong
Thuốc trừ sâu neonicotinoid được cho là tác nhân làm giảm số lượng các quần thể ong tại châu Âu, làm ong mất phương hướng, không thể tìm kiếm thức ăn cũng như giảm khả năng miễn dịch.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Proceedings" của Hiệp hội khoa học Hoàng gia Anh cho thấy, mặc dù EU đã có lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu neonicotinoid đối với các loài cây có hoa vào năm 2013, và lệnh cấm sẽ được mở rộng trên tất cả các loại cây trồng từ năm 2019, nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Sussex đã chỉ ra rằng, loài ong vẫn đang phải sống trong môi trường có mức độ thuốc trừ sâu rất cao.
Tiến hành nghiên cứu, các tác giả chia ong làm hai nhóm và được đưa vào 2 môi trường thụ phấn khác nhau gồm (1) môi trường thực vật có phun thuốc trừ sâu thiamethoxam và clothianidin (hai dạng chất của neonicotinoids), và (2) môi trường thực vật tươi sạch.
Kết quả ghi nhận sau 38 ngày cho thấy tinh dịch của số ong mật đực ở môi trường nhiễm thuốc trừ sâu giảm rõ rệt.
Trước đó, trong một nghiên cứu về chất neonicotinoids, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, chất này có thể làm giảm khả năng ghi nhớ, khiến loài ong quên đường về tổ và làm giảm khả năng kháng bệnh của loài ong.
Các nhà khoa học đang kêu gọi nông dân loại bỏ việc phun thuốc trừ sâu và thay thế bằng các biện pháp khác, như sử dụng những loài thiên địch trong tự nhiên là bọ rùa hay bọ cánh ren; sử dụng các phương pháp thủ công như bắt bằng tay, giăng lưới hay bẫy dính.
Tiến sĩ Beth Nicholls, tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết: “Lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu neonicotinoid đối với tất cả các loại cây trồng sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với loài ong. Tuy nhiên, loài ong vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra ảnh hưởng của việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng có chứa một phần neonicotinoid, mà hiện không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm”.
Các mẫu mật hoa thu được cho thấy nồng độ thiacloprid – một thành phần trong rất nhiều loại thuốc diệt côn trùng không có trong danh mục cấm của EU - tăng đáng kể trong khoảng 2013-2015.
Các loại cây cảnh bị phun thuốc diệt côn trùng cũng là một tác nhân phát tán neonicotinoid; nghiên cứu trước đây của Đại học Sussex chỉ ra rằng, 70% các loài cây thu hút ong được bán tại các cửa hàng kinh doanh cây cảnh có sự xuất hiện của neonicotinoid.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra chất imidacloprid trong thức ăn của loài ong, một loại neonicotinoid rất ít khi được sử dụng trong việc chống lại các loài sâu bệnh, mà đến từ việc sử dụng thuốc có chứa loại hóa chất này để điều trị bọ chét trên động vật nuôi. Sự hiện diện của chất này cho thấy sự tồn tại của các loại hóa chất gây ảnh hưởng tới loài ong không chỉ có trong môi trường nông nghiệp.
Đăng Quang
Nguồn: vast.ac.vn/ScienceDaily