Theo dòng sự kiện

Tìm giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong

11/10/2019, 07:42

Viện An toàn thực phẩm (FSI) vừa tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp năm 2019 với chủ đề "Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi, Sở NN&PTNT phối hợp tổ chức trong 2 ngày 09/10 và 10/10/2019.

Tham dự diễn đàn có đại diện các Cục, Viện, Trung tâm liên quan thuộc Bộ NN&PTNT: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông và đại diện các hộ nuôi ong của 5 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc: Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình.

Với chủ đề "Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc”, tại diễn đàn, hơn 100 đại biểu đã chia sẻ nhiều nội dung, trong đó, nổi bật là các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN&PTNT về phát triển nghề nuôi ong; quy hoạch vùng nuôi ong đảm bảo chuỗi sản xuất hàng hóa an toàn và bền vững.

Các đại biểu nghe giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong nghề nuôi ong; các thông tin mới về phát triển nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc…Đồng thời, dành nhiều thời gian để thảo luận, giải đáp những vấn đề người nuôi ong quan tâm hiện nay; bàn các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) trong chuỗi sản xuất, tiêu thị sản phẩm mật ong. Qua đó, tìm tiếng nói chung giữa nhà và xác định cụ thể các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc; từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm ong.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2018, cả nước có 1.258.578 đàn ong, sản lượng 49.084 tấn. Ong nuôi tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du miền núi phía Bắc với trên 442 ngàn đàn, Tây Nguyên trên 361 ngàn đàn, đây là những vùng sinh thái được đánh giá là nơi có tiềm năng để trở thành vùng sản xuất mật ong tập trung.

Năm 2018, nước ta xuất khẩu 43.938 tấn, trị giá 76,5 triệu USD. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường chính. Nghề nuôi ong ở phía Bắc phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi và trung du (trên 442.000 đàn). Số số lượng đàn ong nuôi năm 2018 tăng 6,7% so với năm 2017, khu vực tăng cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng với mức 14,34%.

Một số tỉnh như Hà Giang và Sơn La đã xây dựng được thương hiệu, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”; cấp Giấy chứng nhận đăng lý nhãn hiệu tập thể “mật ong Sơn La”...

Chất lượng các sản phẩm tạo ra từ nuôi ong gồm: mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa... ngày càng được nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm.

Tuy nhiên theo TS Lê Quang Trung, Phó viện trưởng Viện An toàn thực phẩm, việc kiểm soát an toàn thực phẩm, các sản phẩm ong, đặc biệt là mật ong ở nước ta chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả. Tồn dư các chất trong mật ong không chỉ là nguyên nhân chủ quan của người nuôi ong (như sử dụng kháng sinh, thuốc diệt chí để phòng trị bệnh và ký sinh trùng cho ong) mà còn cả nguyên nhân khách quan (từ nguồn hoa ong thu mật về) làm tăng nguy cơ tồn dư nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong phòng trừ bệnh và ký sinh trùng cho cây.

Trước nguy cơ trên, TS Lê Quang Trung cho biết, nhiều nhà nhập khẩu mật ong lớn trên thế giới như Mỹ đã đưa ra các tiêu chuẩn chi tiết về an toàn thực phẩm trong mật ong để các nước xuất khẩu (trong đó có Việt Nam) phải tuân thủ. Trong khi cần phải kiểm soát chất lượng mật ong toàn diện cũng như truy xuất nguồn gốc mật ong, các công ty thu mua, xuất khẩu mật ong Việt Nam chỉ lấy mẫu mật đại diện từ các nhà nuôi ong để xem xét một số chỉ  tiêu  như dư  lượng  kháng  sinh, thuốc diệt chí (CAP,  Flouroquinolone,  Streptomicin, Tetracyline, nitrofuran…), thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm), và chất lượng mật ong (thủy phần, tỷ lệ đường).

"Đây có lẽ là một trong các nguyên nhân làm cho mật ong Việt Nam nhiều lần bị Mỹ trả lại vì không đạt tiêu chuẩn và đẩy giá mật ong xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu mật ong khác trên thế giới", TS Lê Quang Trung chia sẻ.

Theo ông Chử Văn Tuất, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I, “Chất lượng mật ong sẽ quyết định tới việc có xuất khẩu được mật hay không. Người nuôi ong làm ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi và hanh thông”.

Ông Chử Văn Tuất cho rằng, chất lượng mật ong bao gồm các thông số về lý hóa, màu sắc, mùi vị và không có chất tồn dư (chất tồn dư nằm trong giới hạn cho phép). Để nâng cao chất lượng mật ong, cần có các giải pháp và hợp tác chặt chẽ trên các mặt sản xuất (người nuôi ong, chế biến), cơ quan quản lý, thị trường (người kinh doanh và tiêu thụ) và Hội Nuôi ong Việt Nam. Có như vậy, mới đảm bảo được chất lượng trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất rằng, các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người nuôi ong vệ tinh về kỹ thuật nuôi ong, phòng trị bệnh và ký sinh trên ong… Đồng thời, các cơ quan chuyên môn: Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Hội Nuôi ong Việt Nam… cũng phải tham gia để giúp người nuôi ong nhập khẩu được con giống chuẩn, đảm bảo chất lượng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách chế biến bảo quản sản phẩm mật ong…

PV

Bình luận