Theo dòng sự kiện

Tôm hùm có thể nghiền rác thải nhựa thành các vi hạt thứ cấp

14/04/2020, 22:48

TNNN - Còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết về vòng di chuyển của rác thải nhựa trong môi trường biển.

Một nhóm các nhà khoa học Italia vừa làm sáng tỏ thêm về quá trình tiêu hóa hạt nhựa ở tôm hùm. Phát hiện của họ cho thấy, dạ dày tôm hùm thực sự có thể nghiền nát những mảnh nhựa [nhỏ] thành nhiều hạt nhỏ hơn, các vi hạt này lại có nguy cơ gây hại đối với các loài nhỏ hơn nữa trong chuỗi thức ăn.

Cơ thể tôm hùm có khả năng nghiền những mảnh nhựa nhỏ thành các vi hạt nhỏ hơn nữa. Ảnh: Depositphotos.

Mỗi năm có hàng triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển. Do hao mòn và tác động của nhiều yếu tố khác, chúng bị phân hủy thành những mảnh nhỏ rất khó theo dõi. Một số nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, những vi nhựa này có ghể gây ra chứng phình mạch (aneurysms) ở cá nếu bị ăn phải. Ngoài ra, nhiều loài rùa và chim biển cũng hay nhầm lẫn mùi của nhựa với thức ăn. Chưa hết, chúng còn có thể bị cuốn xuống sâu xuống tận đáy đại dương bởi hiện tượng sụt lở, rồi ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác ở đây theo những cách chưa được hiểu rõ.
 
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại ĐH. Bách khoa Marche (Politecnica delle Marche) và ĐH. Cagliari (Universitá degli Studi di Cagliari) đã tìm cách mô phỏng lại tiến trình khi các loài động vật sống ở tầng thấp ăn phải rác thải nhựa.
 
Dựa trên nhiều công trình trước đó, phát biểu rằng cơ thể tôm hùm, chẳng hạn tôm hùm Nauy (Nephrops norvegicus) và một số loài giáp xác, có khả năng phân hủy các mảnh nhựa [nhỏ] thành những hạt nhỏ hơn khi ăn phải, nhóm đã thu thập loài tôm [hùm] Địa Trung Hải để xem liệu có xảy ra cơ chế tương tự. Kết quả cho thấy, mặc dù các mảnh nhựa lớn có thể bị mắc kẹt trong dạ dày của tôm, nhưng những hạt nhỏ hơn lại đi theo một con đường riêng tới “cỗ máy nghiền dạ dày”, nơi chúng được các mảng vôi hóa nghiền nát thành những hạt nhỏ hơn nữa, rồi sau đó bị bài tiết và thải ra môi trường.
 
“Phát hiện này nhấn mạnh sự tồn tại của một loại vi hạt nhựa thứ cấp mới và đặc biệt trong môi trường, sinh ra bởi các hoạt động sinh học, đại diện cho một quy trình quan trọng để phân hủy nhựa trong một môi trường ổn định mà rất ít người có khả năng tiếp cận như đáy biển sâu,” nhóm tác giả viết.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Ảnh bia: Internet
 
Từ khóa: Tôm hùm, rác thải,
Bình luận