Vắc xin được phát triển bởi một nhóm nhà khoa học tại Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Bắc Kinh, dẫn đầu là giáo sư Qin Chuan. Trước đó, các thử nghiệm trên khỉ cho thấy khi được tiêm đủ liều, vắc xin có thể ngăn ngừa nCoV và các biến chủng của nó mà không có quá nhiều tác dụng phụ. Các cá thể khỉ đã phát triển nồng độ kháng thể tương đương với những con từng nhiễm nCoV.
Nghiên cứu được đăng tải trên medRxiv, trang website dành cho các công trình khoa học và y tế chưa bình duyệt.
Vắc xin của giáo sư Qin và các đồng nghiệp dựa trên chủng vi rút phân lập từ các bệnh nhân tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Theo báo cáo, nhóm đã giải trình tự gene của nhiều nCoV biến chủng toàn cầu, sau đó bóc tách các chủng đột biến điển hình nhất dựa trên 10 ca nhiễm gần đây từ Trung Quốc, Italy, Anh, Thuỵ Sĩ và Tây Ban Nha. Vì không có sẵn mẫu bệnh phẩm từ Mỹ, các nhà khoa học đã sử dụng vi rút của một bệnh nhân đại lục có đột biến tương đương chủng Bắc Mỹ.
Tình nguyện viên tiêm thử vắc xin tại Trung Quốc. Ảnh: DPA
Giáo sư Gong Xuejie, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết các tình nguyện viên có độ tuổi từ 18 đến 59, đều là người trưởng thành khỏe mạnh.
"Kết quả kiểm tra ngày đầu sau khi tiêm cho thấy vắc xin an toàn", bà Gong nói.
Bà cho biết nhóm sẽ thực hiện thêm hai thử nghiệm lâm sàng khác, có quy mô lớn hơn, trên cả trẻ em và người già. Song thời điểm tiến hành chưa xác định.
Những loại vắc xin đang nghiên cứu thường nhắm vào một gene cụ thể của nCoV. Song vi rút đã biến đổi thành nhiều chủng khác nhau khi lây lan toàn cầu. Đây trở thành mối quan tâm lớn của giới chuyên gia trong công cuộc điều chế vắc xin an toàn và hiệu quả.
Đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện hơn 4.300 đột biến của nCoV. Họ cũng cảnh báo các đột biến này ngày một nguy hiểm. Chủng mới của vi rút xuất hiện gia tăng thách thức trong việc tìm ra phương pháp ngăn ngừa đại dịch.
Vắc xin mới là một trong ít nhất 5 "ứng cử viên" đang được phát triển độc lập ở Trung Quốc. Ước tính có tới 70 loại khác nhau cũng trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm trên toàn thế giới. Thông thường, toàn bộ quá trình mất tới hơn một năm. Song hôm 20/4, một quan chức y tế Trung Quốc cho biết chính phủ có thể xem xét phê duyệt sớm trong trường hợp khẩn cấp.
Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nếu đại dịch diễn biến tiêu cực, nước này sẽ chấp thuận tiêm vắc xin cho một số đối tượng nhất định, chẳng hạn nhân viên y tế, vào cuối năm nay.
Thục Linh
Nguồn: VnExpress