Vaccine của Pfizer có thể chống lại các chủng SARS-CoV-2 biến thể
TNNN -Dữ liệu từ Qatar cung cấp bằng chứng thực tế đầu tiên cho thấy vaccine Covid-19 của Pfizer có thể ngăn chặn các chủng SARS-CoV-2 biến thể nguy hiểm và dễ lây lan.
Vào tháng 1 năm nay, sau nhiều tháng có tương đối ít ca nhiễm và tử vong do Covid-19, Quatar đã chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm do chủng biến thể B.1.1.7 - được xác định lần đầu tiên ở Vương quốc Anh. Nhiều tuần sau, chủng B.1.351 - được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi vào cuối năm 2020 - cũng xuất hiện ở quốc gia này.
Giữa cơn bão Covid-19 do các chủng biến thể lây lan nhanh gây ra, các nhà nghiên cứu tại Qatar đã tìm thấy một số bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các loại vaccine hiện tại có thể dập tắt các chủng biến thể đó. Nghiên cứu của họ được công bố vào ngày 5/5 vừa qua trên Tạp chí Y học New England.
Laith Jamal Abu-Raddad, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine - Qatar, người dẫn dắt nghiên cứu, cho biết: “Tôi nghĩ chủng biến thể B.1.351 có lẽ là nghiêm trọng nhất trong số tất cả các chủng biến thể đã biết. Bất chấp những chủng biến thể này, chúng ta có các công cụ để kiểm soát số ca nhiễm và bệnh nặng".
Vaccine của Pfizer – BioNTech đang được chuẩn bị để tiêm tại Toronto, Canada.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, chủng biến thể B.1.351 chứa các đột biến làm giảm tác dụng của các kháng thể ngăn chặn virus; và một số vaccine RNA, bao gồm cả vaccine của Pfizer – BioNTech, sẽ bị suy yếu khi đối mặt với B.1.351, nhưng không bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Tháng 4 vừa qua, Pfizer – BioNTech thông báo, một thử nghiệm nhỏ ở Nam Phi đã phát hiện vaccine của họ có hiệu quả chống lại B.1.351, nhưng nghiên cứu trên 800 người mới ghi nhận tổng cộng 6 ca nhiễm B.1.351 trong nhóm dùng giả dược, vì vậy hiệu quả thực tế thấp hơn nhiều.
Nhóm của Abu-Raddad đã phân tích hàng chục nghìn trường hợp mắc Covid-19 xảy ra từ khi Qatar bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào cuối tháng 12/2020 đến cuối tháng 3/2021. Giải trình tự bộ gen cho thấy B.1.1.7 và B.1.351 là hai chủng chiếm ưu thế trong giai đoạn này, mỗi chủng chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm của cả nước.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở những người được tiêm chủng với những người trong nhóm đối chứng không được tiêm chủng. Những người được tiêm hai liều vaccine của Pfizer – BioNTech có nguy cơ bị nhiễm chủng B.1.1.7 thấp hơn khoảng 90%, nhất quán với các phát hiện từ Israel, Vương quốc Anh và các nơi khác. Nguy cơ mắc Covid-19 do B.1.351 cũng thấp hơn 75% so với những người không được tiêm chủng và gần như được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh nặng do chủng này gây ra.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.500 trường hợp nhiễm biến thể B.1.351 ở những người được tiêm chủng, nhưng phần lớn là những người mới tiêm 1 liều; và chỉ có 179 ca nhiễm xảy ra hơn 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều. Hầu như không có bất kỳ ca Covid-19 nặng nào do B.1.1.7 hoặc B.1.351 gây ra trong số những người được tiêm chủng đầy đủ.
Abu-Raddad nói: “Mặc dù có những ca nhiễm ở người đã tiêm vaccine, nhưng rất hiếm khi dẫn đến nhập viện và tử vong”. Có hai người đã chết vì Covid-19 do B.1.351 gây ra sau khi tiêm liều vaccine thứ hai, nhưng có thể họ đã bị nhiễm bệnh trước khi mũi tiêm nhắc lại phát huy tác dụng bảo vệ.
Shabir Madhi, nhà tiêm chủng học tại trường Đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi, bình luận kết quả của Qatar đầy hứa hẹn. Mức độ kháng thể tương đối cao mà hai liều vaccine RNA của Pfizer – BioNTech kích hoạt có thể giải thích tại sao nó bảo vệ chống lại B.1.351 tốt hơn so với các loại vaccine khác, chẳng hạn như vaccine do trường Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển.
Nhưng Madhi hy vọng, các loại vaccine khác cũng ngăn ngừa được các trường hợp phát bệnh nặng do các chủng biến thể. Trong một nghiên cứu khác tên Tạp chí Y học New England vào ngày 5/5, nhóm của ông cho biết, vaccine được sản xuất bởi công ty công nghệ sinh học Novavax cũng giảm 60% nguy cơ nhiễm Covid-19 ở những người tham gia không nhiễm HIV trong một thử nghiệm trên 6.000 người ở Nam Phi. Ngoài ra, theo dữ liệu chưa được công bố, vaccine của Novavax cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các trường hợp Covid-19 nặng do B.1.351 gây ra, không có trường hợp nào ở những người được tiêm chủng và năm trường hợp ở nhóm giả dược.
Qatar, nơi hơn một phần ba dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, có thể cung cấp cái nhìn sơ lược về cách kiểm soát các chủng biến thể SARS-CoV-2 nghiêm trọng nhất. Abu-Raddad cho biết, sau khi số ca nhiễm chủng biến thể B.1.351 đạt đến đỉnh điểm ở nước này vào giữa tháng 4, "mọi việc đang diễn ra cực kỳ tốt, số ca nhiễm đang giảm rất, rất nhanh".
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn