Theo dòng sự kiện

Văcxin Covid-19: Công nghệ nào đi đầu?

05/12/2020, 10:19

TNNN - Thời gian gần đây, hàng loạt văcxin Covid-19 được công bố phê duyệt chuẩn bị đưa vào sử dụng, với những công nghệ sản xuất khác nhau.

Ba công nghệ nổi trội

Ngày 2/12/2020 Anh vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt văcxin Covid-19 do Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) sản xuất. Cũng trong ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho các quan chức y tế bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà văcxin ngừa Covid-19 do Nga phát triển trong tuần tới. Hiện nay, có hơn 230 loại văcxin đang được nghiên cứu, thử nghiệm, sau Sputnick V thì có 3 loại văcxin công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng, đó là của Pfizer, Mordena và AstraZeneca.

Văcxin Sputnik V được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, sử dụng 2 loại virus gây cảm cúm phổ biến là các chủng Adeno 5 và Adeno 26 để mô phỏng protein đột biến của virus corona trong cơ thể người. Hiệu quả của Sputnik V đạt tỷ lệ 91,4%.

Các nhà nghiên cứu BioNTech (Đức) điều chế văcxin bằng cách sử dụng các đoạn mã RNA thông tin (mRNA) hình thành nên protein đột biến trên bề mặt của virus corona. Đối với văcxin do Pfizer (Mỹ) điều chế, mRNA hướng dẫn các tế bào trong cơ thể tạo ra một đoạn protein đột biến giống của virus corona. Hệ thống miễn dịch nhờ đó phát hiện đây là thành phần ngoại lai và đề kháng với chúng trong trường hợp virus corona xâm nhập vào cơ thể. Văcxin điều chế từ mRNA có một nhược điểm là do được cấu tạo từ các phân tử nanolipit – thành phần có bề mặt rất mỏng và dễ tan chảy ở nhiệt độ thông thường, nên chúng chỉ có thể được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, khoảng -75 độ C.

Văcxin của AstraZeneca, được điều chế bởi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), sử dụng loại virus cảm cúm thông thường Adeno để mang protein đột biến từ virus corona vào tế bào cơ thể người. Loại này giúp cơ thể người “tự sản xuất văcxin” bằng cách tạo ra các bản sao protein đột biến của virus corona. Virus adeno đã được sửa đổi để không thể tự tái tạo và được biến đổi gene để có protein đột biến giống với virus corona. Đây là phương thức điều chế văcxin đỡ tốn kém hơn, nhưng tốc độ chậm hơn so với việc sử dụng mRNA.

Công nghệ tương đồng Việt Nam

Trong khi văcxin của AstraZeneca được ghi nhận đạt hiệu quả 90%, thì văcxin của Moderna và Pfizer đều có tỷ lệ chống lây nhiễm virus corona tới 95% sau thử nghiệm giai đoạn 3. PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng đang ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau đểu nghiên cứu sản xuất văcxin Covid-19 trong đó có công nghệ véc tơ. Văcxin này không dùng virus SARS-CoV-2 còn sống làm cho bất hoạt hoặc làm suy yếu, mà dùng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA, để khi tiếp xúc sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng.

Với SARS-CoV-2, người ta chỉ cần tạo bản sao mRNA rồi đưa vào cơ thể người, mẫu mRNA khi vào trong tế bào người nó sẽ ra lệnh cho tế bào người sản sinh protein hình gai thuộc vỏ của SARS-CoV-2 và đồng thời cơ thể người sản sinh ra kháng thể tiêu diệt các protein này, nhờ đó tạo được sự miễn dịch với SARS-CoV-2. Công nghệ sản xuất văcxin của Việt Nam tương đồng với văcxin của AstraZeneca, không yêu cầu điều kiện bảo quản quá nghiêm ngặt nên khả năng ứng dụng cao hơn.

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, cần phải hiểu đúng về hiệu quả của văcxin. Nhiều người nghĩ rằng, con số 90% đó thường được hiểu là cứ 10 người được tiêm, thì chỉ có 1 người bị nhiễm, hay 94,5% được hiểu là cứ 100 người được tiêm, thì chỉ có 5 hay 6 người bị nhiễm. Hiểu như thế là không đúng. Lý do là vì đơn vị để xác định hiệu quả của văc in không phải là số ca nhiễm (số người bị nhiễm), mà là nguy cơ (tức xác suất) bị nhiễm. Con số 90% hay 94,5% có nghĩa là văcxin khi tiêm giúp giảm nguy cơ 90% hoặc 94,5% so với nhóm chứng. Nó hoàn toàn không có nghĩa là ngăn ngừa 90% hay 94,5% số ca nhiễm. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của hãng sản xuất Pfizer, nếu 10.000 người tiêm văcxin của hãng này thì sẽ có khoảng 4 người bị nhiễm, còn nếu không tiêm văcxin thì số ca nhiễm sẽ là khoảng 40.

Do vậy, ngay cả khi có văcxin, các biện pháp phòng dịch vẫn phải thực hiện song song.

Nguồn: Khoa học & Đời sống

Từ khóa: vắc xin, covid 19,
Bình luận