WEF thử nghiệm dùng blockchain theo dõi lượng khí thải carbon
TNNN - Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF kì vọng truy xuất nguồn gốc CO2 từ khâu khai thác mỏ và kim loại đến sản phẩm cuối cùng bằng cách lôi kéo những tập đoàn lớn trong ngành khai khoáng tham gia vào nền tảng công nghệ blockchain.
Jorgen Sandstrom, Trưởng phòng Khai mỏ và kim loại của WEF, cho biết: "Hầu hết các ước tính về khí thải carbon trong chuỗi giá trị của ngành khai khoáng hiện nay dựa trên các tiêu chuẩn ngành hoặc các cảm biến khó xác minh. Điều này hạn chế khả năng kiểm soát và cải thiện dấu chân carbon".
Sử dụng blockchain theo dõi dấu chân carbon từ khi khai thác đến lúc tạo ra sản phẩm cuối cùng | Ảnh minh họa: Warranty
Tầm nhìn của WEF là làm sao hiển thị được các thông tin xác tín về lượng phát thải của hàng hóa từ quá trình khai mỏ đến thị trường. WEF mới đưa ra một ứng dụng chứng minh tính khả thi cho ý tưởng này, mang tên "Nền tảng theo dõi carbon" (COT) vào giữa tháng 12/2020. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc thực hiện tầm nhìn kể trên.
Theo Sandstrom, COT đang tập trung vào việc truy vết lượng phát thải carbon trong chuỗi giá trị khai thác đồng, lượng phát thải khí nhà kính từ mỏ đến nhà máy luyện kim, cuối cùng là đến các nhà sản xuất sử dụng kim loại đó để tạo ra máy móc, thiết bị ban đầu. Nền tảng này tạo ra một lộ trình để theo dõi tất cả các kim loại thiết yếu từ mỏ đến thị trường và quay trở lại bằng tái chế.
COT là kết quả hợp tác giữa các chuyên gia trong ngành khai khoáng, công ty công nghệ blockchain Kryha và Sáng kiến MMBI ứng dụng Blockchain trong khai khoáng và kim loại giữa WEF và 7 tập đoàn khai mỏ lớn trên thế giới.
Bản chất phân tán của công nghệ blockchain cho phép hợp tác giữa các doanh nghiệp, khiến nó trở thành công nghệ mạng lưới tối ưu. Sandstrom nói: “COT chứng minh rằng những người tham gia trong và trên toàn bộ chuỗi giá trị có thể hợp tác và thử nghiệm các giải pháp thực tế cho các vấn đề bền vững mà từng công ty riêng lẻ không thể giải quyết được".
Bình luận về COT, Benedikt Sobotka, Giám đốc điều hành Tập đoàn Khoáng sản Á-Âu (Eurasian Resources Group) - một thành viên của sáng kiến MMBI, cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự hợp tác tăng cường xung quanh công nghệ blockchain là cần thiết để cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng và báo cáo về lượng khí thải carbon".
Vị CEO này nói thêm: “Giải pháp blockchain tạo riêng cho sáng kiến MMBI sẽ cho phép khách hàng xác minh tác động môi trường của sản phẩm và chúng tôi rất vui được bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của nền tảng”.
Dự kiến, đầu năm 2021, WEF sẽ tổ chức một số buổi lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan trong ngành để giúp hoàn thiện tầm nhìn và thiết lập khuôn khổ cho giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn