Ấn Độ phê chuẩn phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới
TNNN - Phương pháp Saline Gargle RT-PCR không cần tăm bông mà bệnh nhân sẽ đưa nước muối sinh lý vào miệng qua một ống chứa, súc miệng trong 15 giây và nhổ chất lỏng vào ống, sau đó gửi đi xét nghiệm.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ.
Ngày 29/5, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) đã phê chuẩn phương pháp xét nghiệm COVID-19 phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược thông qua việc súc miệng nước muối sinh lý (Saline Gargle RT-PCR), giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.
Phương pháp Saline Gargle RT-PCR do Viện nghiên cứu kỹ thuật môi trường quốc gia Ấn Độ (NEERI) - thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp Ấn Độ (CSIR), phát triển.
Xét nghiệm không cần tăm bông mà thay vào đó sử dụng một ống chứa nước muối sinh lý. Bệnh nhân sẽ đưa nước muối sinh lý vào miệng, súc miệng trong 15 giây và nhổ chất lỏng vào ống và gửi đi xét nghiệm.
Tuyên bố của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ nhấn mạnh xét nghiệm này đơn giản, nhanh chóng, dễ chịu, tiết kiệm chi phí, thân thiện với bệnh nhân và cho kết quả nhanh, chỉ sau khoảng 3 giờ. Phương pháp này rất phù hợp để tiến hành tại các khu vực nông thôn và bộ lạc, do chỉ yêu cầu cơ sở hạ tầng tối thiểu.
Ông Krishna Khairnar - một chuyên gia khoa học cấp cao về virus học môi trường của NEERI, cho biết: "Phương pháp lấy mẫu bằng tăm bông đòi hỏi phải có thời gian. Hơn nữa, đây là một kỹ thuật xâm lấn nên sẽ gây khó chịu đôi chút cho bệnh nhân. Việc vận chuyển mẫu xét nghiệm đến trung tâm thu thập cũng mất thêm thời gian. Trong khi đó, phương pháp Saline Gargle RT-PCR diễn ra nhanh chóng, thoải mái và thân thiện với bệnh nhân. Việc lấy mẫu được thực hiện ngay lập tức và kết quả sẽ có trong vòng 3 giờ".
Bên cạnh đó, ông Khairnar cũng cho rằng các phương pháp lấy dịch từ mũi và hầu họng đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật và tốn nhiều thời gian hơn.
Trong phương pháp Saline Gargle RT-PCR, các mẫu xét nghiệm trong ống thu thập sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm, được đặt trong một dung dịch đệm đặc biệt do NEERI chuẩn bị và giữ ở nhiệt độ phòng.
Ông Khairnar giải thích: "Phương pháp thu thập và xử lý mẫu xét nghiệm này cho phép chúng tôi hạn chế được những yêu cầu về cơ sở hạ tầng cần cho việc tách chiết Ribonucleic acid (RNA) vốn rất tốn kém. Mọi người dân đều có thể tự tiến hành xét nghiệm do phương pháp này cho phép mỗi người tự lấy mẫu để kiểm tra"./.
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Sắp diễn ra hội thảo “Chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng”
Chỉ số đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
TCVN 13751:2023 - Tiêu chuẩn quốc gia đối với chuyên gia năng suất
Triển lãm Dụng cụ Khoa học lần thứ 35 (JASIS 2023) có gì mới?
Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm
Tin cũ hơn