AOSC đạt thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của APAC và ILAC
Với tư cách là tổ chức ký thỏa ước thừa nhận đa phương, AOSC đã cam kết ủng hộ sự thừa nhận và chấp nhận sự công nhận của các tổ chức thành viên khác trong MRA.
Chuyên gia MRA đánh giá tại AOSC hồi cuối năm 2018. Ảnh: Vũ Hải
Ngày 7/9/2019, Tổ chức Hợp tác Công nhận châu Á – Thái Bình Dương (APAC) gửi thư chúc mừng Văn phòng Công nhận đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) chính thức trở thành thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của APAC và ILAC đối với chương trình đánh giá công nhận năng lực phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Theo đó, AOSC là thành viên chính thức của của Tổ chức Hợp tác Công nhận châu Á – Thái Bình Dương (APAC); thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC).
AOSC hiện đang cung cấp dịch vụ công nhận năng lực phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, phòng xét nghiệm y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng: Công nhận năng lực phòng thử nghiệm theo ISO/IEC 17025:2017 (Mã hiệu công nhận: VLAT); Công nhận năng lực phòng hiệu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2017 (Mã hiệu công nhận: VLAC); Công nhận năng lực phòng xét nghiệm y tế theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 (Mã hiệu công nhận: VLAM).
Để đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ công nhận, AOSC đã xây dựng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17011:2017 Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu chung đối với tổ chức công nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Đạt thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của APAC là tiền đề quan trọng để AOSC tiến hành các thủ tục thừa nhận tiếp theo với các hiệp hội và diễn đàn công nhận trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây cũng là điểm thuận lợi cho khách hàng của AOSC (các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và xét nghiệm y tế) trong việc tăng cường năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án.
Đình Lâm