Theo dòng sự kiện

Áp dụng ISO/IEC 17025 để đảm bảo chất lượng thử nghiệm và khẳng định uy tín doanh nghiệp

22/09/2020, 10:42

TNNN - ISO/IEC 17025:2017 góp phần đảm bảo chất lượng thử nghiệm, tạo uy tín cho tổ chức, doanh nghiệp vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Cùng với hệ thống phòng thử nghiệm/ thí nghiệm (PTN) của Chi cục Thú y các tỉnh và 7 Chi cục Thú y vùng, 4 phòng thử nghiệm của Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng Không (Skypec), PTN tại công ty CP Bia Sài Gòn (SABECO) tại Kiên Giang, Khánh Hòa, Hà Nam,… hệ thống PTN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tại Nghệ An, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã áp dụng thành công và đạt công nhận ISO/IEC 17025:2017 Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Điều này góp phần đảm bảo chất lượng thử nghiệm cũng như tạo uy tín cho tổ chức, doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm được duy trì, đảm bảo.

ISO/IEC 17025:2017 và chất lượng thử nghiệm

Theo Trưởng Phòng kinh doanh, Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) Nguyễn Tiến Đức, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ mang ý nghĩa quyết định đối với doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa càng được quan tâm, trú trọng.

Theo đó, các hoạt động thử nghiệm và yêu cầu về độ tin cậy của kết quả thử nghiệm cũng được đề cao, các tổ chức, doanh nghiệp cũng vì thế mà đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế tương ứng vào quản lý hoạt động sản xuất, phân tích, thử nghiệm,… điển hình như tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Ông Nguyễn Tiến Đức cho biết, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có PTN như: Cục thú y và 7 Chi cục Thú y vùng, Skypec, SABECO, Hoa Sen Group,… đã áp dụng Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu, đã áp dụng tích hợp hệ thống quản lý theo ISO/IEC 17025:2017 nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

Lý do vì ISO/IEC 17025:2017 đưa ra các yêu cầu mà PTN phải đáp ứng nếu muốn chứng minh phòng thử nghiệm đang áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp; Có năng lực kỹ thuật, và có thể đưa ra các kết quả thử nghiệm có giá trị kỹ thuật. Từ đó, góp phần chuẩn hóa năng lực kỹ thuật và quản lý của PTN; Đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của kết quả thử nghiệm; Tạo điều kiện cho hoạt động thừa nhận kết quả thử nghiệm lẫn nhau giữa các phòng thử nghiệm trong nước, khu vực và quốc tế.

Giải thích thêm về vấn đề này, chuyên gia đánh giá kỹ thuật của AOSC Trần Thanh Bình cho biết, để chứng minh năng lực của một PTN, việc áp dụng ISO 9001:2015 là chưa đủ. Tiêu chuẩn này mới chỉ đưa ra các yêu cầu về hệ thống quản lý mà chưa đề cập đến các yêu cầu về năng lực của PTN phải đáp ứng, trong đó bao gồm các yêu cầu về việc đảm bảo giá trị sử dụng của kết quả thử nghiệm. Ngược lại, sự phù hợp với ISO/IEC 17025:2017 cũng không có nghĩa là hệ thống quản lý chất lượng PTN đang sử dụng phù hợp với tất cả các yêu cầu của ISO 9001:2015”.


Kiểm tra độ bền kéo của tôn tại PTN

Đây cũng là vấn đề được ông Lương Hoài Việt, Phó trưởng Phòng thử nghiệm của Hoa Sen Group tại Nghệ An chia sẻ, “PTN đã duy trì HTQL theo ISO 9001:2015 nên khi bắt tay vào xây dựng hệ thống tài liệu, hồ sơ để tích hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 có khá nhiều thuận lợi: Sự vào cuộc của Ban lãnh đạo cùng nhân viên phòng Lab trong việc xây dựng hệ thống quản lý PTN theo ISO/IEC 17025:2017. Tuy vẫn phải duy trì và đảm bảo công việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hằng ngày, nhưng nhân sự tại tất cả các vị trí công việc của Lab đã rất nỗ lực, cùng tập trung trí tuệ, kinh nghiệm và năng lực của mình để chỉnh sửa, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, quy trình, phương pháp thử… theo yêu cầu của tiêu chuẩn”.

Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, vị thế của tập đoàn. “Nỗ lực của chúng tôi được ghi nhận bởi độ tin cậy từ các kết quả thí nghiệm sẽ được nâng lên, khách hàng và đối tác của Hoa Sen Group cũng vì thế mà hài lòng hơn với chất lượng các sản phẩm tôn của tập đoàn. Thông qua các chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh kết quả liên phòng với các phòng Lab trong cùng lĩnh vực, chúng tôi có thêm nhiều cơ hội giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và cải tiến quy trình, phương pháp thử; tham gia các khóa đào tạo nội bộ/ bên ngoài; trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuẩn hóa phương pháp, thao tác,…”, ông Việt cho biết.

Ông Võ Hữu Trí, Trưởng PTN của Hoa Sen Group tại Nhơn Hội (Bình Định) cho rằng, thông qua các yêu cầu của ISO/IEC 17025:2017, các phép thử lĩnh vực hóa học theo tiêu chuẩn ASTM D2244-16 về màu sắc, ASTM D523-14 về độ bóng của sản phẩm tôn kẽm màu, tôn lạnh màu; phân tích thành phần kim loại theo ASTM E415-15, JIS G 0320:2009, hay các phương pháp thử lĩnh vực cơ: độ bền kéo, giới hạn chảy, độ giãn dài theo JIS Z 2241:2011; ASTM A370-19e1; độ bền dung môi theo ASTM D5402 – 19; độ bền uốn theo ISO 7438:2016,… được PTN thực hiện với độ chuyên môn hóa cao, chuyên nghiệp hơn.

Cần nhiều hơn nữa các chương trình thử nghiệm thành thạo

Trao đổi thêm về vấn đề này, chuyên gia Trần Thanh Bình cho biết, so sánh kết quả liên phòng là một trong những hoạt động định kỳ bắt buộc của PTN được công nhận ISO/IEC 17025, nhằm đánh giá năng lực thử nghiệm thành thạo sau công nhận của các PTN, giúp công tác đo lường chất lượng đảm bảo được chính xác, khoa học và khách quan.

Thử nghiệm thành thạo, so sánh kết quả liên phòng có ý nghĩa thiết thực, tác động nhiều chiều: Đối với cơ quan công nhận, nó chứng minh sự phù hợp về hoạt động của cơ quan công nhận đối với năng lực kỹ thuật, chuyên môn tay nghề của PTN được công nhận; Đối với các PTN, nó chứng minh với khách hàng, cơ quan công nhận về năng lực kỹ thuật, tay nghề chuyên môn. Đây cũng là cơ sở, công cụ để PTN tự đánh giá, nhận diện và xác lập biện pháp phòng ngừa những điểm không phù hợp, đề ra các cải tiến để phát triển…

Tuy nhiên, để có thể tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo, một trong những hoạt động quan trọng là PTN phải nghiên cứu xây dựng phương pháp thử nghiệm cho phù hợp, cần nghiên cứu, bố trí thí nghiệm và sử dụng các kỹ thuật thống kê thích hợp để xác định các thông số đặc trưng của phương pháp. Các thông số đặc trưng này cần được lãnh đạo PTN xem xét có thỏa đáng với mục đích sử dụng kết quả thử nghiệm hay không trước khi đưa vào áp dụng.

Trước vấn đề mà nhiều PTN đạt công nhận ISO/IEC 17025 đang gặp phải hiện nay là khó khăn trong việc tìm, lựa chọn và tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo phù hợp với lĩnh vực hoạt động đặc thù, chuyên gia Bình cho rằng, nếu lãnh đạo tổ chức hay PTN chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo giá trị sử dụng kết quả thông qua việc tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo, PTN sẽ không có kinh phí tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo nếu có đơn vị tổ chức.

“Trong khi các chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng do các tổ chức trong nước cung cấp còn ít, việc lựa chọn tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo ở nước ngoài thường tốn kém, nhiều rủi ro trong vận chuyển mẫu, chất chuẩn, chủng chuẩn, thời gian tiến hành thử nghiệm… Do đó, các PTN nên chủ động tìm kiếm thông tin về thử nghiệm thành thạo từ các cơ quan, tổ chức hữu quan như Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) để được hỗ trợ tốt nhất”, chuyên gia Trần Thanh Bình chia sẻ.

Chứng chỉ có giá trị dài lâu và được thừa nhận rộng khắp trên thế giới

Theo Th.S Chu Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Văn phòng AOSC, đơn vị đang cung cấp 2 chương trình đánh giá công nhận dựa trên chuẩn mực ISO/IEC 17025:2017 là: Công nhận phòng thử nghiệm có năng lực đáp ứng yêu cầu ISO 17025 (VLAT); Công nhận phòng hiệu chuẩn có năng lực đáp ứng yêu cầu ISO 17025 (VLAC).

Theo quy định công nhận Gr-01 của Văn phòng AOSC, hiệu lực cho chứng chỉ công nhận có thời hạn 60 tháng (5 năm). Đây cũng là nội dung được quy định tại điều 7.9.1 của TCVN ISO/IEC 17011:2917 Yêu cầu chung đối với tổ chức công nhận đánh giá các tổ chức đánh giá sự phù hợp: “Một chu kỳ công nhận phải được bắt đầu tại hoặc sau ngày quyêt định cấp công nhận lần đầu hoặc quyết định sau khi đánh giá lại và không được quá 05 năm”.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Văn phòng AOSC là tổ chức công nhận duy nhất ở Việt Nam cấp chứng chỉ ISO/IEC 17025:2017 có hiệu lực đến 5 năm.

Đạt chứng chỉ công nhận của AOSC, kết quả thử nghiệm của các PTN được thừa nhận rộng rãi tại các nước trên thế giới, vì AOSC là thành viên của ILAC-MRA và đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau từ tháng 9/2019. Đây là sự khác biệt lớn giúp các PTN thuận lợi trong việc duy trì hiệu lực chứng chỉ.

Vũ Hải

Bình luận