Theo dòng sự kiện

Các nhà sinh học tìm ra ốc sên xâm nhập bằng kỹ thuật phát hiện ADN mới

03/06/2021, 13:23

TNNN - Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là ADN môi trường để cho thấy sự tồn tại của loài ốc sên trong các con suối tại trung tâm Pennsylvania

Các loài xâm nhập, hãy cẩn thận: Những ngày lẩn trốn của “các bạn” có thể sắp kết thúc.

Các nhà sinh vật học do trường Đại học Iowa dẫn dắt đã phát hiện ra sự hiện diện của loài ốc bùn New Zealand xâm nhập bằng cách phát hiện ADN của chúng trong vùng nước mà chúng ẩn náu sinh sống.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là ADN môi trường (eADN) để cho thấy sự tồn tại của loài ốc sên, có thể sử dụng phương pháp này để phát hiện và kiểm soát các cuộc xâm nhập mới chưa biết của ốc sên và các loài xâm nhập khác.

Maurine Neiman, phó giáo sư cho biết: “Đã sử dụng eADN thành công với các sinh vật sống dưới nước khác, nhưng đây là lần áp dụng đầu tiên để phát hiện một quần thể xâm nhập mới của loài ốc sên, một loài xâm nhập hủy diệt tại các vùng nước ngọt trên khắp thế giới”.

Maurine Neiman, phó giáo sư tại Khoa Sinh học và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Có thể sử dụng eADN để tìm các sinh vật ở giai đoạn xâm lược rất sớm, vì vậy nó có thể phát hiện một quần thể ngay cả khi có rất ít sinh vật mà các phương pháp truyền thống sẽ không bao giờ phát hiện chúng". Các nhà sinh vật học đã đến trung tâm Pennsylvania để tìm kiếm bằng chứng về sự hiện diện của loài ốc bùn, loài ốc này trong nhiều thập kỷ đã lan rộng trong các vùng nước ngọt tại lục địa Hoa Kỳ, bắt đầu từ Tây Bắc, di chuyển đến Great Lakes và bây giờ di cư dọc theo Biển Đông.

Mật độ quần thể ốc nhỏ bé dưới nước có thể lên đến hơn 500.000 cá thể trong 1m², bao phủ đáy nước và lấn át các loài bản địa.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu từ tám địa điểm trải rộng trên 6m² tại lưu vực sông Susquehanna, chảy vào Vịnh Chesapeake và lưu vực Trung Đại Tây Dương. Sáu trong số các địa điểm không có trường hợp ốc bùn nào được báo cáo, mặc dù đã khảo sát thực tế, trong khi chưa nghiên cứu hai địa điểm còn lại. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật eADN để tìm kiếm ADN mà ốc sên sẽ để lại dưới dạng chất đánh dấu trong các tế bào da bong tróc hoặc chất thải của chúng. Rốt cuộc, họ đã phát hiện ra những con ốc sên ở đó: Kết quả eADN xác nhận rằng những con ốc sên bùn tại một địa điểm chưa từng được phát hiện trước đây và quần thể có khả năng ở mức thấp tại các địa điểm khác.

James Woodell, kỹ thuật viên hỗ trợ của trường Đại học Hawai tại Mānoa, người đã thực hiện nghiên cứu khi đang là sinh viên thạc sĩ về sinh học tại trường Đại học Iowa và là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc chứng minh rằng có thể áp dụng eADN thành công để phát hiện các cuộc xâm lược mới của ốc nước ngọt nhỏ và sẽ cho phép chúng tôi theo dõi chính xác hơn và có khả năng ngăn chặn sự mở rộng phạm vi đang diễn ra của loài xâm nhập hủy diệt này".  

Các nhà nghiên cứu phát triển kỹ thuật eADN cách đây chưa đầy một thập kỷ. Nó đã được sử dụng để loại bỏ các loài xâm nhập, bao gồm cá, ếch và động vật giáp xác trong các hệ sinh thái dưới nước. Đối với nghiên cứu này, các nhà sinh vật học đã tinh chỉnh các giao thức lọc từ hệ thống lấy mẫu eADN hiện có để phát hiện ốc bùn và thử nghiệm lần đầu tiên trên thực địa.

Đại học Iowa

Tố Quyên dịch

Nguồn: Lab Manager – Hoa Kỳ

Bình luận