“Công bằng - Chính xác - Chuyên nghiệp - Khách quan” trong các chương trình thử nghiệm thành thạo
TNNN - Phòng Thử nghiệm thành thạo - Công ty TNHH Đảm bảo Chất lượng Việt Nam quản lý và vận hành các chương trình thử nghiệm thành thạo phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17043:2010.
Để cung cấp cho khách hàng dịch vụ thử nghiệm thành thạo, đảm bảo “Công bằng - Chính xác - Chuyên nghiệp - Khách quan”, từ năm 2014, Phòng Thử nghiệm thành thạo - Công ty TNHH Đảm bảo Chất lượng Việt Nam (Quality Assurance of Vietnam, viết tắt: AoV) đã xây dựng hệ thống quản lý và vận hành các chương trình thử nghiệm thành thạo phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17043:2010, được công nhận bởi Hiệp hội công nhận các phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (American Association for Laboratory Accreditation – viết tắt: A2LA).
Thử nghiệm thành thạo (Proficiency Testing, viết tắt: PT) là việc thực hiện và đánh giá các phép đo/phép thử trên cùng mẫu thử hoặc trên mẫu thử tương tự nhau bởi hai hay nhiều PTN theo những điều kiện xác định trước.
Tham gia các chương trình PT là một trong những công cụ quan trọng được các cơ quan công nhận ISO/IEC 17025 và ISO/IEC 15189, cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng sử dụng để đánh giá năng lực, chất lượng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm/thí nghiệm (gọi tắt là PTN), giúp các PTN kiểm soát chất lượng hoạt động của mình và sử dụng kết quả đó để chứng minh năng lực kỹ thuật với các bên quan tâm.
Phát biểu trong một phiên họp về thử nghiệm thành thạo do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, cố Chủ tịch VinaLAB – TS. Nguyễn Hữu Thiện đã nhấn mạnh rằng, PT nhằm mục đích để các PTN tham dự có cơ hội tự xem xét đánh giá năng lực, độ chính xác, tin cậy của các kết quả thử nghiệm của đơn vị. Các kết quả thử nghiệm nếu đem đối chiếu so sánh với nhau sẽ nói lên nhiều điều về trình độ, kỹ năng của mỗi PTN. Đó là mức độ tin cậy, và chuẩn xác của phương tiện đo, phương pháp đo, môi trường đo và mức độ thành thạo của nhân viên PTN.
Cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thiện nêu rõ rằng: “Kết quả thí nghiệm của các PTN sai khác nhau là điều đương nhiên, nhưng khi mức độ khác biệt quá lớn thì lại là điều cần xem xét. Một PTN đưa ra kết quả “không giống ai” cần phải xem xét lại toàn diện, tìm cho được những thiếu sót để uốn nắn, khắc phục”.
Vậy các PTN phải làm gì để có thể lựa chọn được nhà cung cấp chương trình PT uy tín, chất lượng, phù hợp với nhu cầu của mình? Một trong những điều kiện quan trọng đó là đơn vị cung cấp PT phải đạt công nhận ISO/IEC 17043.
Thấu hiểu điều đó và vì lợi ích chính đáng của các PTN, cùng với việc không ngừng cải tiến toàn diện, áp dụng và đạt công nhận phù hợp các yêu cầu ISO/IEC 17043 của A2LA vào năm 2014, Phòng thử nghiệm thành thạo của AoV (AoV-PT) đã đăng ký và được chấp nhận là thành viên của Ban Thử nghiệm thành thạo thuộc Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm châu Á - Thái Bình Dương (APLAC-PT).
Theo đó, AoV có thẩm quyền trong việc giới thiệu các phòng thử nghiệm (PTN) đủ năng lực tham gia chương trình PT của APLAC; Góp ý vào các báo cáo, dự thảo, các quyết định của APLAC... Đây là cơ hội để AoV triển khai, giới thiệu các chương trình PT của Việt Nam ra thế giới, thu hút các PTN quốc tế và trong nước cùng tham gia các chương trình PT. Đồng thời, cập nhật thông tin về PT trên thế giới đến các đối tượng có nhu cầu tại Việt Nam.
Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc AoV cho biết, khi tham gia các chương trình PT do các đơn vị đã đạt công nhận ISO 17043 cung cấp, ưu điểm vượt trội là các PTN nhận được sự đánh giá khách quan, độc lập nhất. Kết quả PT được chấp nhận và có giá trị rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là nền móng quan trọng để khẳng định uy tín và vị thế của AoV trong cung cấp các chương trình PT. Trên cơ sở đó, năm 2015, Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) đã lựa chọn AoV là đơn vị cung cấp chương trình PT cho Hội, mã hiệu: Vinalab-PT2.
Cũng theo bà Giang, để có thể đưa dịch vụ PT của Việt Nam ra thế giới và hỗ trợ các PTN hoặc các bên liên quan tại Việt Nam tìm kiếm các chương trình PT phù hợp, AoV đã đăng ký và trở thành điều phối viên quốc gia (National coordinator) của Tổ chức Thông tin dịch vụ PT châu Âu (European Proficiency Testing Information System – viết tắt: EPTIS) tại Việt Nam vào tháng 09/2014.
Trên cương vị này, AoV sẽ đại diện cho EPTIS thực hiện định kỳ việc cập nhật dữ liệu các chương trình PT tại Việt Nam lên hệ thống dữ liệu, cập nhật các đăng ký mới, thiết lập kênh thông tin liên lạc với các nhà cung cấp PT mới;...
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ PT phù hợp với khách hàng trên nhiều lĩnh vực, từ năm 2018, AoV đã mở rộng phạm vi hoạt động, gồm: Cung cấp mẫu và tổ chức các chương trình PT; Tư vấn, đào tạo hệ thống đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý chất lượng; Nhập khẩu, cung cấp và sản xuất hóa chất, hóa chất chuẩn, mẫu chuẩn, vật liệu chuẩn, chủng vi sinh vật chuẩn; Cung cấp dịch vụ bảo trì, kiểm định thiết bị phòng thí nghiệm, phòng xét nghiệm y tế... và đã được A2LA đánh giá tái công nhận ISO/IEC 17043 vào cuối tháng 10/2018.
Theo chuyên gia Kelly Black của A2LA, năng lực tổ chức và năng lực kỹ thuật của AoV trong việc tổ chức, vận hành các chương trình PT đã được duy trì đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17043: 2010. Điều đó được thể hiện chi tiết và đầy đủ trên hệ thống hồ sơ lưu trữ, từ khi chuẩn bị cho tổ chức một chương trình PT; Gửi các hướng dẫn phân tích, bảo quản, thanh lý mẫu, phiếu nhận mẫu, phiếu báo cáo kết quả; Gửi mẫu, nhận mẫu, xử lý và thực hiện phân tích mẫu… xử lý và đánh giá kết quả theo ISO 13528 Statistical methods for use in proficiency testing by interlaboratory comparisons (Phương pháp thống kê sử dụng trong chương trình TNTT bằng so sánh liên phòng); Bảo mật thông tin các PTN tham gia,… hoàn thiện báo cáo kết quả chương trình PT để thông báo đến các đơn vị tham gia.
Để đảm bảo tính công bằng giữa các PTN và tính khách quan của kết quả PT, tại mỗi chương trình PT, các PTN sẽ nhận được cùng một số lượng mẫu để phân tích. Khối lượng/thể tích của mẫu cũng đã được AoV tính đến sự khác biệt khi tiến hành phân tích bằng quy trình, phương pháp khác nhau nhằm đảm bảo PTN có đủ mẫu để phân tích.
“Công bằng - Chính xác - Chuyên nghiệp - Khách quan” được thể hiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc chương trình PT. Thông qua đó, kiểm nghiệm viên của các phòng thử nghiệm đã có những cải tiến tích cực nhằm hoàn thiện quy trình, phương pháp, thao tác phân tích… Kỹ năng tay nghề của các kiểm nghiệm viên cũng như chất lượng các xét nghiệm cũng vì thế mà không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng.
Phúc Anh