Theo dòng sự kiện

Dị ứng từ động vật nơi phòng thử nghiệm

19/08/2020, 16:20

TNNN - Dị ứng do sử dụng động vật để nghiên cứu trong phòng thử nghiệm là một trong những mối đe dọa sức khỏe phổ biến nhất mà nhân viên phòng thử nghiệm phải đối mặt hàng ngày.

Ngăn ngừa và kiểm soát các chất gây dị ứng từ động vật

Khoảng 8% (24 triệu) người Mỹ bị hen suyễn. Các triệu chứng hen suyễn bao gồm khó thở, tức ngực và ho. Phần lớn các trường hợp hen suyễn là do dị ứng với phấn thực vật và khói bụi môi trường, có trường hợp do mạt bụi nhưng hiếm, dị ứng do lông động vật, các bộ phận cơ thể của côn trùng gây ra.

Ngày nay, có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng động vật để nghiên cứu trong phòng thử nghiệm dẫn đến dị ứng - một trong những mối đe dọa sức khỏe con người phổ biến nhất phải đối mặt hàng ngày.

Dị ứng là kết quả của cơ chế sinh hóa và hệ miễn dịch phản ứng quá mức so với bình thường, vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo. Do đó, dị ứng từ động vật trong phòng thử nghiệm (LAA) vẫn là một rủi ro nghề nghiệp nghiêm trọng.

Các yếu tố rủi ro

LAA bắt đầu bằng việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng thường là enzym, protein hoặc glycoprotein. Các chất gây dị ứng từ động vật được tìm thấy trong nước tiểu, nước dãi, lông vũ và lông của các loài nghiên cứu bao gồm chuột cống, chuột nhắt, mèo, chó, ngựa, chim và các loài khác. Con đường tiếp xúc thường là các chất gây dị ứng trong không khí, nhưng tiếp xúc với da cũng có thể tạo ra các phản ứng được gọi là viêm da tiếp xúc.

Loài chuột thường được sử dụng làm vật nghiên cứu. Các nguồn chính của chất gây dị ứng từ chuột là nước tiểu và nước dãi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc xử lý phân chuột có thể tạo ra một lượng lớn chất gây dị ứng, đặc biệt là các hạt nhỏ hơn có thể tồn tại trong không khí từ 15 đến 35 phút. Chuột cũng sản sinh ra đạm niệu, là một nguồn chất gây dị ứng chính khác cho nhân viên phòng thử nghiệm động vật.

Chó và mèo có nguy cơ đáng kể cả trong phòng thử nghiệm và bên ngoài môi trường làm việc (vì chúng còn là vật nuôi trong nhà). Chất gây dị ứng ở mèo được tạo ra trong dãi dớt và các tuyến bã nhờn của da, đặc biệt chúng có thể tích điện cao và do đó có xu hướng dính vào các bề mặt. Sau đó, chúng hoạt động như các ổ chứa và truyền chất gây dị ứng ngay cả khi chúng không hiện hữu. Một loài khác đáng kể đến là chim. Tiếp xúc với chất gây dị ứng ở chim có thể gây viêm mũi và viêm phổi quá mẫn (là một hội chứng viêm phổi “bệnh nghề nghiệp”.

Hầu hết các nhân viên bị dị ứng với động vật thí nghiệm như vậy đều do tiếp xúc với động vật trong vòng từ một đến ba năm kể từ lần tiếp xúc đầu tiên. Những người bị dị ứng từ trước như sốt hoa cỏ có nguy cơ mắc LAA cao hơn.

Thời gian tiếp xúc và nồng độ chất gây dị ứng cũng là các yếu tố rủi ro quan trọng. Nồng độ chất gây dị ứng trong không khí tỷ lệ thuận với số lượng động vật trong khu vực và phụ thuộc vào tỷ lệ nồng độ chất gây dị ứng sản sinh ra trừ tỷ lệ khử bỏ. Điều này cho thấy, thông gió rất quan trọng trong việc hạn chế phơi nhiễm.

Tuy nhiên, ít nhất có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù thông gió có hiệu quả để giảm nồng độ chất gây dị ứng thấp (ví dụ: số lượng động vật ít), có thể mất tới 127 lần thay đổi không khí mỗi giờ (ACH) để giảm đáng kể sự phơi nhiễm khi sản sinh nồng độ chất gây dị ứng cao, chẳng hạn như trong quá trình vệ sinh lồng chuồng hoặc trong các khu vực nhốt tập trung.

Kinh nghiệm cho thấy, nồng độ phơi nhiễm chắc chắn cũng liên quan đến các công việc cụ thể. Vệ sinh lồng chuồng được xếp hàng đầu, tiếp theo là xử lý, sau đó là phẫu thuật/an tử (làm cho chết êm ái). Nghiên cứu cho thấy, nồng độ chất gây dị ứng trong không khí tăng lên đến năm lần và các hạt nhỏ (đường kính trung bình dưới 1 micron) tăng lên ba lần ở những nơi tiến hành vệ sinh lồng chuồng. Phương pháp lấy mẫu có sẵn để đo nồng độ chất gây dị ứng trong không khí cũng như kích thước hạt. Điều quan trọng phải ghi nhớ là lập chương trình, kế hoạch phòng ngừa của bạn.

Triệu chứng dị ứng

LAA thường bắt đầu với các triệu chứng ở mũi như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa, chảy nước mắt và/hoặc phát ban. Tình trạng phát ban hoặc nổi mề đay có thể tiến triển khi tiếp xúc đơn giản. Về mặt y học, gọi là viêm da tiếp xúc.

Nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% nhân viên là bệnh hen suyễn nghề nghiệp, gây ho, thở khò khè, khó thở và dẫn đến các triệu chứng mãn tính ngay cả khi đã loại bỏ phơi nhiễm.

Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát chất gây dị ứng

LAA là một vấn đề rủi ro sức khỏe nghề nghiệp quan trọng và khó giải quyết. Bước đầu tiên là lập kế hoạch kiểm soát phòng ngừa toàn diện cho phòng thử nghiệm. Ấn phẩm của Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ, Phòng ngừa Bệnh hen suyễn ở người tiếp xúc động vật đưa ra các khuyến nghị quan trọng cho chương trình kiểm soát của bạn. Một tài liệu hướng dẫn tuyệt vời khác là Chương trình Phòng chống Dị ứng Động vật tại Phòng thử nghiệm của Viện Y tế Quốc gia. Có thể phân chia các hướng dẫn trong ấn phẩm này thành hai loại chính:

1. Kiểm soát kỹ thuật liên quan đến thiết kế cơ sở và thiết bị chuyên dụng;  

2. Các biện pháp kiểm soát hành chính bao gồm sàng lọc nhân viên, giao thức làm việc và các biện pháp kiểm soát cá nhân.

Kiểm soát kỹ thuật

Kiểm soát kỹ thuật là phần quan trọng và chắc chắn là phần đáng giá nhất của chương trình kiểm soát phòng ngừa tốt. Thiết kế cơ sở và thông gió là hai thành phần chính. Vì chất gây dị ứng vào không khí bằng sản sinh ra chất gây dị ứng trừ đi chất gây dị ứng bị khử bỏ (một chức năng của kiểm soát thông gió) cho nên, chúng ta cố gắng tạo ra hệ thống thông gió tốt nhất có thể. Lý tưởng nhất là hệ thống thông gió một chiều xả thải 100%, nhưng hệ thống này giá thành rất cao.

Nếu cần tuần hoàn thì nên sử dụng bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu suất cao, việc lắp đặt và bảo trì cũng tốn kém. Giải pháp tốt nhất tiếp theo là sử dụng hệ thống thông gió cục bộ, tủ an toàn sinh học, máy hút mùi đặc biệt, máy trạm hút gió ngược và gió lùa. Thiết kế và trang bị cho các nhiệm vụ cụ thể và là các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Bất kể bạn sử dụng hệ thống thông gió nào, cần phải kiểm tra cẩn thận (cũng như định kỳ) và cân bằng hệ thống để đảm bảo hiệu suất tối ưu và độ dốc áp suất thích hợp nhằm duy trì dòng khí và cách ly các khu vực được kiểm soát.

Sau hệ thống thông gió, thiết bị tối tân cho các cơ sở nghiên cứu động vật là cực kỳ quan trọng, bao gồm lồng chuồng có đầu lọc, hệ thống lồng có thông gió hoặc lồng thông gió riêng biệt, tất cả đều có hoặc không có bộ lọc HEPA. Ngoài ra, hiện nay đã có các hệ thống tự động để thay lồng, giặt lồng và xử lý chất thải. Vì nhược điểm lớn của hệ thống thông gió là chi phí cao.

Kiểm soát hành chính

Việc chúng ta có thể tiến hành về mặt thủ tục hành chính, bao gồm thực hiện các chính sách -  gọi là kiểm soát hành chính. Một trong những việc quan trọng nhất là trước khi bố trí nhân viên, cần đánh giá sàng lọc các yếu tố rủi ro như các triệu chứng hoặc tiền sử dị ứng, hen suyễn, hoặc dị ứng cụ thể với động vật (vật nuôi hoặc phòng thử nghiệm). Khuyến khích kiểm tra chức năng phổi (ví dụ như đo phế dung). Cuối cùng, cả NIOSH và NIH đều khuyến cáo giám sát sức khỏe thường xuyên.

Các biện pháp kiểm soát hành chính bổ sung cần xem xét khi phát triển chương trình phòng chống LAA là kiểm soát việc tiếp cận và cách ly các khu vực xử lý động vật. Chỉ một số rất ít nhân viên được phép vào. Nên lập kế hoạch thật tốt việc vận chuyển động vật. Tách biệt các nhiệm vụ "sạch" khỏi các nhiệm vụ "bẩn".

Lựa chọn chất liệu ổ rơm cũng rất quan trọng. Ví dụ: NIH khuyến nghị sử dụng lõi ngô ít gây dị ứng hoặc sản phẩm gỗ tái chế và làm ướt ổ rơm trước khi thay hoặc đổ đi để giảm thiểu nồng độ chất gây dị ứng.

Hướng dẫn và đào tạo nhân viên là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa LAA. Mọi nhân viên phải hiểu rõ các rủi ro và có nhận thức về các triệu chứng dị ứng. Kiến thức về thực hành công việc theo quy định, sử dụng đúng thiết bị và đồ bảo hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, khăn chùm đầu, mặt nạ phòng độc… là vô cùng cần thiết. Tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân tốt (ví dụ như rửa tay) và báo cáo ngay về bất kỳ triệu chứng dị ứng nào.

Tài liệu tham khảo
 
  1. Occupational Asthma. Dr. David Weissman. Centers for Disease Control and Prevention. December 2017. https:// tools.cdc.gov/medialibrary/index.aspx#/media/id/353830

  2. Occupational Health and Safety in the Care and Use of Research Animals. National Research Council. National Academy Press. Washington, D.C. 1997

  3. Preventing Asthma in Animal Handlers, National Institute of Occupational Safety and Health. Publication 97-116. January 1998. http://www.cdc.gov/niosh/docs/97-116/

  4. Laboratory Animal Allergy Prevention Program, National Institute of Health, Division of Safety. January 2003. http://www.ors.od.nih. gov/sr/dohs/Documents/LAAPP.pdf

         (1) và (2) Lời người dịch.

Vince McLeod

Trương Tố Quyên dịch

Nguồn: Lab Manager – Hoa Kỳ

 

Bình luận