Theo dòng sự kiện

Kỹ thuật phát hiện chất độc trong thực phẩm

07/10/2019, 07:07

Các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố kết quả nghiên cứu phát hiện chất độc trong thực phẩm bằng đế SERS có cấu trúc na-nô bạc. Ðây là phương pháp phát hiện một lượng rất nhỏ của các phân tử hữu cơ bằng cách ghi phổ tín hiệu tán xạ Raman.

Thử nghiệm trên lúa, xoài, cam, táo, rau cải, chè..., đế SERS nhận biết được thuốc trừ sâu, diệt côn trùng phổ biến là pyridaben, thuốc diệt cỏ sử dụng rộng rãi là paraquat. Thời gian nhận biết thuốc bảo vệ thực vật chỉ từ 10 đến 15 phút. Các đế SERS cũng phân tích được những chất độc hại, như: Thuốc nhuộm xanh thực phẩm, diệt nấm trong thủy sản, chất trộn vào sữa mê-la-min, chất độc xy-a-nua... Theo nhóm nghiên cứu, các công ty xuất, nhập khẩu sản phẩm, chi cục kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, chi cục hải quan cửa khẩu có thể sử dụng đế SERS để kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian làm thủ tục.

Nghiên cứu mới về khôi phục trí nhớ của người bệnh an-dê-mơ

Nghiên cứu mới của Ðại học Buffalo (Hoa Kỳ) chỉ ra cách phục hồi chức năng nhớ của não nhờ tiếp cận ngoại di truyền, tức là những thay đổi trên gien không phải do trình tự sắp xếp DNA. Nghiên cứu được thử nghiệm trên chuột mang đột biến gien bệnh an-dê-mơ gia đình và trên mô não chết của người mắc bệnh an-dê-mơ. Kết quả cho thấy, bệnh an-dê-mơ là kết quả từ các nhân tố rủi ro đến từ cả gien và môi trường. Chúng kết hợp lại tạo nên các thay đổi ngoại di truyền, dẫn đến thay đổi biểu hiện gien. Hiểu được quá trình nêu trên đã mở ra hướng nghiên cứu, điều chế thuốc để điều chỉnh các rối loạn chức năng nhận thức bằng cách nhắm vào những en-dim ngoại di truyền.

Thiết bị phát hiện nhanh vi khuẩn

Nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ vừa phát minh một thiết bị cho kết quả xét nghiệm vi khuẩn trong vòng vài phút. Thiết bị sử dụng công nghệ vi mô để phát hiện các tế bào vi khuẩn đơn lẻ, có thể được quan sát sau đó dưới kính hiển vi điện tử. Phương pháp này giúp các bác sĩ xét nghiệm xác định liệu có vi khuẩn tồn tại trong người bệnh hay không và xác định mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh trong chưa đầy 30 phút, thay vì mất từ ba đến năm ngày như hiện nay. Việc loại trừ nhanh chóng hoặc xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn sẽ giúp cải thiện đáng kể việc chăm sóc người bệnh. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực thu nhỏ kích thước thiết bị để phù hợp sử dụng trong các bệnh viện và phòng khám. Nhóm hy vọng có thể đưa thiết bị ra thị trường trong ba năm tới.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Ảnh bìa: Internet

Bình luận