Lần đầu triển khai kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 trực tiếp trong cơ thể người
TNNN - Một bệnh nhân mắc bệnh di truyền gây mù đã trở thành người đầu tiên nhận liệu pháp gen CRISPR-Cas9 đưa trực tiếp vào cơ thể.
Thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt này nhằm kiểm tra khả năng của các kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 trong việc loại bỏ các đột biến gây ra teo thị thần kinh Leber (LCA10). Đây là một bệnh hiếm và hiện tại không có phương pháp điều trị nào, là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở trẻ em.
Trong thử nghiệm mới nhất, các thành phần của hệ thống chỉnh sửa gen - được mã hóa trong bộ gen của virus - được tiêm trực tiếp vào mắt, gần các tế bào cảm quang. Các thử nghiệm lâm sàng CRISPR-Cas9 trước đây chỉ chỉnh sửa bộ gen của các tế bào đã được loại bỏ khỏi cơ thể, các tế bào đã chỉnh sửa sau đó được đưa trở lại vào bệnh nhân.
"Đây là một thời điểm thú vị," Mark Pennesi, chuyên gia về bệnh võng mạc di truyền tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon ở Portland, nói. Pennesi đang hợp tác với các công ty dược phẩm Editas Medicine từ Cambridge, Massachusetts và Allergan từ Dublin để tiến hành các thử nghiệm. Các thử nghiệm này được đặt tên là BRILLIANCE.
Thử nghiệm BRILLIANCE lần đầu tiên triển khai kỹ thuật CRISPR-Cas9 nổi tiếng, với những ưu điểm về tính linh hoạt và dễ thiết kế, trực tiếp trong cơ thể. Trong BRILLIANCE, chỉnh sửa gen được sử dụng để xóa đột biến gen CEP290 chịu trách nhiệm cho LCA10.
Đột biến gen CEP290 là một mục tiêu đặc biệt hấp dẫn cho phương pháp chỉnh sửa gen. Các liệu pháp gen thông thường sử dụng một loại virus để chèn một bản sao khỏe mạnh của gen bị đột biến vào các tế bào bị ảnh hưởng. Nhưng CEP290 quá lớn để đưa toàn bộ vào một bộ gen virus, theo Artur Cideciyan, người nghiên cứu bệnh võng mạc tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia.
Và mặc dù các đột biến trong CEP290 vô hiệu hóa các tế bào cảm nhận ánh sáng (tế bào cảm quang) trong võng mạc, các tế bào này vẫn hiện diện và sống ở những người bị LCA10. "Mục tiêu là có thể kích hoạt lại các tế bào đó," Pennesi nói.
Hiện tại, việc sử dụng CRISPR-Cas9 trong cơ thể là một bước nhảy vọt đáng kể so với xử lý các tế bào trong một đĩa thí nghiệm, Fyodor Urnov, người nghiên cứu chỉnh sửa bộ gen tại Đại học California, Berkeley cho biết. "Giống với chuyến bay vào vũ trụ so với chuyến đi máy bay thông thường. Những thách thức kỹ thuật, và cả lo ngại về an toàn, lớn hơn nhiều."
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận
Tin khác
Gần 1.000 bài viết tham dự cuộc thi “Vượt lên số phận” lần thứ VII
Sắp diễn ra giải bóng đá "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp"
Lan toả chương trình trồng cây "Đường xanh" đến cộng đồng
Đã có gần 18.000 người tham gia Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái"
Lễ trao giải Cây chổi vàng- Tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường lần thứ 4- 2023
Tin cũ hơn