Nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của cao chiết từ lá vối
TNNN - Lá vối có khả năng cải thiện bệnh lý nguy hiểm xơ vữa mạch máu thông qua tác dụng bảo vệ gan, điều hòa lipid máu - theo nghiên cứu mới của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM.
Lá vối có một số thành phần hóa học như tannin, myrcen, flavonoid,… và được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, gout, viêm gan, vàng da, kháng khuẩn, kháng viêm,… Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu chứng minh tác dụng sinh học của lá vối. Vì vậy, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đã thực hiện đề tài "Đánh giá tác dụng bảo vệ gan, giảm lipid máu của cao chiết từ lá vối”, làm cơ sở để phát triển dược liệu này thành sản phẩm hỗ trợ điều hòa rối loạn lipit máu và có tác dụng bảo vệ gan.
Lá vối sau khi được hái về, rửa sạch, phơi khô và xay thành bột. Bột lá vối được chiết ngấm kiệt cùng với ethanol 96%, sau đó được cô giảm áp cho ra cao chiết ethanol 96% từ lá vối. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát tác dụng bảo vệ gan của cao chiết từ lá vối trên chuột (gây tổn thương gan bằng paracetamol) và tác dụng hạ lipid của cao chiết trên mô hình gây tăng lipid máu bằng tyloxapol.
Cao chiết từ lá vối có tác dụng bảo vệ gan và giảm lipit máu. Ảnh: Internet
Kết quả cho thấy, cao chiết từ lá vối có tác dụng giảm AST (aspartate transaminase) và ALT (alanine transaminase) trong huyết tương, giảm hàm lượng MDA (malondialdehyde), và phục hồi hàm lượng GSH (glutathione) trong gan, thể hiện tác dụng bảo vệ gan theo hướng chống oxy hóa. Ngoài ra, cao chiết lá vối còn có tác dụng giảm triglycerid, cholesterol, LDL-cholesterol và phục hồi hàm lượng HDL-cholesterol trong huyết tương; thể hiện tác dụng điều hòa rối loạn lipid máu trên mô hình gây tăng lipid máu bằng tyloxapol.
Từ nghiên cứu trên, có thể kết luận lá vối có khả năng cải thiện những bệnh lý nguy hiểm xơ vữa mạch máu thông qua tác dụng bảo vệ gan và điều hòa lipid máu; và đó sẽ là cơ sở khoa học để phát triển sản phẩm hỗ trợ bảo vệ gan, giảm lipit máu từ nguồn dược liệu sẵn có, rẻ tiền trong nước.
Nguồn: Khoa học & Phát triển