Theo dòng sự kiện

Nguyên nhân gây nhiễm độc thực phẩm thường gặp

04/11/2019, 06:44

Mỗi năm, hàng triệu người Mỹ đang phải đối phó với nỗi khổ nhiễm độc thực phẩm. Một báo cáo mới đây của CDC đã khảo sát những loại vi trùng phổ biến, là nguyên nhân gây bệnh đối với người Mỹ trong năm 2017.

Báo cáo được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), công bố vào hôm 22/3, đã phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu theo dõi các trường hợp nhiễm độc thực phẩm tại 10 phòng thí nghiệm trên khắp Hoa Kỳ, với độ phủ lên tới 49 triệu người. Các nhà nghiên cứu đã đi tìm 9 loại mầm bệnh phổ biến thường lan truyền qua con đường thực phẩm, gồm có 7 loại vi khuẩn và 2 loại ký sinh trùng.
 
Loại mầm gây bệnh phổ biến nhất là Campylobacter, một vi khuẩn thường được tìm thấy trên gia cầm sống.
 
Theo báo cáo, trong năm 2017, cứ 100.000 người thì có tới 19 ca nhiễm Campylo-bacter. Phổ biến thứ hai là vi khuẩn Salmonella, với 16 ca nhiễm bệnh trên 100.000 người. Tiếp theo là vi khuẩn Shigella và vi khuẩn E.Coli có khả năng sản sinh độc tố Shiga (STEC), với mỗi chủng gây ra 4 ca nhiễm bệnh trên 100.000 người.
Cũng trong năm 2017, tỷ lệ nhiễm Campylobacter đã tăng lên 10% và STEC là 28%, so với giai đoạn 2014 – 2016. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này liên quan tới việc sử dụng một loại xét nghiệm mới trong phòng lab – còn gọi là xét nghiệm chẩn đoán không cần nuôi cấy (culture-independent diagnostic test), cho phép các nhà nghiên cứu khảo sát những loại mầm bệnh trên thực phẩm nhờ vào việc tìm kiếm các protein hay vật liệu di truyền gắn kết với mầm bệnh thay vì nuôi cấy vi trùng trên đĩa thí nghiệm.
 
Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện các vi khuẩn và mầm bệnh dễ dàng hơn so với phương pháp cũ, cho nên nó ngày càng được sử dụng nhiều và thường xuyên hơn, báo cáo cho biết.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chứng kiến mức sụt giảm 35% đối với số ca nhiễm E. ColiO157 (một loại STEC khác) trên thịt bò, vào năm 2017, so với thời kỳ 2006 – 2008. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm Salmonella tổng thể trong cả hai giai đoạn là gần như nhau, nhưng có xu hướng giảm xuống trong năm 2017 đối với hai chủng Salmonella đặc biệt là Typhimurium và Heidelberg.
 
Báo cáo cũng cho biết sở dĩ có sự sụt giảm này, có thể là do công tác tiêm phòng ở gà để ngừa những chủng Salmonella, đi kèm với các biện pháp khác nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm độc trên các loại thịt.
 
Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận: cần phải có thêm nhiều biện pháp cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa mầm bệnh trên thực phẩm, bao gồm việc ban hành các tiêu chuẩn mới liên quan đến chất lượng thịt (gia cầm và gia súc), bên cạnh tăng cường đào tạo, hướng dẫn cho các nhân viên kiểm tra.
 
Theo ước tính của CDC, mỗi năm Hoa Kỳ có tới 48 triệu người bị bệnh vì thực phẩm nhiễm độc. Báo cáo trên còn chưa bao gồm tỷ lệ nhiễm norovirus, chiếm khoảng 20 triệu ca mỗi năm.
Hải Đăng tổng hợp
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận